Sở VH,TT&DL Hà Nội đang thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị trực thuộc ngành VH,TT&DL của Hà Nội cũ và Hà Tây cũ, trong đó có hai đơn vị nghệ thuật chèo vốn nổi tiếng và là gương mặt tiêu biểu của hai vùng văn hóa: Kinh đô Thăng Long và xứ Đoài. Có sáp nhập hay không Nhà hát (NH) chèo Hà Tây với Nhà hát chèo Hà Nội, và nếu sáp nhập thì cơ chế hoạt động chung và riêng sẽ ra sao để những ưu điểm, nét riêng của hai bản sắc chèo sẽ không bị mai một là vấn đề đang được quan tâm.
Cảnh trong vở Dáng trúc Sài Sơn của Nhà hát chèo Hà Tây. Ảnh: TL |
Dư luận dành sự quan tâm nhiều hơn cho "số phận" của NH chèo Hà Tây, vì chắc chắn nếu sáp nhập, đơn vị mới sẽ chỉ có thể mang tên NH chèo Hà Nội. Đồng thời nếu tương quan về đội ngũ thì chèo Hà Nội hiện nay có hai đoàn, đông gần gấp đôi chèo Hà Tây. Hơn nữa, so sánh trong thời gian qua thì dường như NH chèo Hà Nội có năng động hơn với những bước đi khá mạnh dạn trong công tác xã hội hóa nghệ thuật, tìm và tiếp cận khán giả, tiếp cận các trường phổ thông, liên kết với các hoạt động du lịch, in ấn đĩa để sản phẩm thêm phong phú... Trong nghệ thuật, chèo Hà Nội là đơn vị mạnh dạn thử nghiệm, cách tân nhiều hơn, và như nhận xét ngắn gọn của GS, NSND, đạo diễn Trần Bảng thì chèo Hà Nội nhiều khi không thật sự bám chắc vào truyền thống do điều kiện không gian hoạt động thành thị, đối tượng phục vụ là thị dân. Còn chèo Hà Tây thì ngược lại, dường như vẫn "trung thành" với những nét mộc mạc, cổ kính của nghệ thuật chèo trong dân gian. Trở thành bộ phận của một NH chèo Thủ đô lớn hơn trong nay mai, liệu nét thuần hậu, giản dị của NH đại diện chiếng chèo xứ Đoài có bị mờ nhạt, chìm lấp đi không? Và như thế, vô hình chung, những cố gắng sáp nhập, kết hợp hai đơn vị nghệ thuật có tiếng sẽ đồng nghĩa với việc xóa đi một giọng điệu riêng, phong cách riêng giữa sự phong phú của các đơn vị chèo phía Bắc?
Nhiều văn nghệ sĩ đã chia sẻ quan điểm, ý kiến về vấn đề này. Nhà nghiên cứu chèo Trần Việt Ngữ nhắc nhở: Chèo Hà Tây có cái riêng của mình, lại có cả rối nước nữa! Ông Ngữ cho rằng, dù sáp nhập thì vẫn cứ phải có một đơn vị chèo xứ Đoài, đồng thời yêu cầu ban lãnh đạo mới phải có một trình độ nghề nghiệp và triết mỹ nhất định. "Nếu không sẽ không ra ngô mà cũng chẳng ra khoai. Rồi một thời gian sau bản sắc sẽ mất đi và không hiểu những cái gì đã làm nên nó". Nhà phê bình Ngô Thảo dứt khoát cho rằng, sáp nhập hai đơn vị sẽ không phải là cách làm tốt, văn hóa không nên phải đồng nhất với cơ cấu hành chính. Hà Nội đã mở ra một vùng văn hóa rộng lớn thì phải có chính sách cho văn hóa giàu có, phong phú lên chứ không thể nghèo đi, không nên co lại làm một. Đồng quan điểm với ông Ngô Thảo, GS. Trần Bảng nói, có được một đơn vị nghệ thuật rất khó, nhất là với nghệ thuật dân tộc. Phải có nhiều năm tháng và sự dồn tích của tài năng, tâm huyết, truyền thống mới nên được. Chính GS. Trần Bảng là 1 trong 9 văn nghệ sĩ đã ký vào Thư ngỏ gửi đến Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Giám đốc Sở VH,TT&DL vào ngày 6/9 vừa qua. Cùng với GS. Trần Bảng là các nhà nghiên cứu, văn nghệ rất lo lắng cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Trần Nhương, Hoàng Minh Tường, TS. Nguyễn Xuân Diện ở Viện Hán Nôm, TS. Đoàn Lâm ở NXB Thế giới, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Yên Giang... Đặc biệt là có PGS. Hà Văn Cầu, người đã cùng với những tên tuổi như Lộng Chương, Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm..., năm 1957 tập hợp chiếng chèo Đoài, cùng nhau thành lập nên đoàn chèo Cổ Phong, tiền thân của NH chèo Hà Tây ngày nay. Bức thư tâm huyết không chỉ thể hiện mong mỏi đừng sáp nhập chèo Hà Tây vào chèo Hà Nội, mà còn đề nghị TP. Hà Nội tái thành lập NH chèo Cổ Phong với nền tảng là những thành quả hơn nửa thế kỷ qua và lực lượng nghệ sĩ NH chèo Hà Tây hiện nay, đồng thời triển khai việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của chèo xứ Đoài danh tiếng.
Tuy vậy, theo những gì mà Giám đốc NH Chèo Hà Tây Trần Quang cho biết thì về cơ bản, lãnh đạo ngành VH,TT&DL Thủ đô đã thống nhất về quan điểm sáp nhập hai NH chèo. Nếu vậy, vấn đề sáp nhập ra sao, hoạt động chung và riêng như thế nào sẽ là thách thức lớn và lâu dài đối với Ban lãnh đạo NH mới, mỗi cá nhân và tập thể nghệ sĩ. Và cũng là câu hỏi không nhỏ dành cho các nhà quản lý văn hóa của Hà Nội khi vừa tiếp quản một phạm vi văn hóa rộng lớn và phải bảo đảm cho môi trường văn hóa chung tiếp tục phát triển và tồn tại đa dạng. Trong tương lai, ngành VH,TT&DL Thủ đô sẽ có những đề án, chương trình phát triển văn hóa Hà Nội với quy mô lớn và những mục tiêu lâu dài, nên chăng với riêng NH chèo Hà Nội, khi đó có thể đã bao gồm hai đơn vị chèo cũ, có những chính sách phù hợp để duy trì hoạt động bình thường, tạo môi trường tương đối độc lập cho mỗi bộ phận nghệ thuật chèo giữ gìn nét riêng, sáng tạo và bảo vệ những thành quả độc đáo của mình. Cần có chương trình phục cổ cho bộ phận chèo Hà Tây cũ như hiện nay NH chèo Hà Nội đang thực hiện. Tạo điều kiện về kinh phí, phương tiện để mỗi bộ phận có những hướng sưu tầm, bảo tồn bản sắc văn hóa vùng miền.
Đấy là nói trong trường hợp sáp nhập hai NH, còn nếu có thể, sự chuyển đổi tên gọi NH chèo Hà Tây để tiếp tục có một NH chèo Cổ Phong của Hà Nội, mang dấu ấn văn hóa xứ Đoài, mang hồn cốt của chiếng chèo Đoài, như mong mỏi của các văn nghệ sĩ trong bức thư ngỏ, vẫn là điều đẹp đẽ nhất mà Hà Nội có thể dành cho nghệ thuật chèo của mình.
Dương Xuân