Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị cho sửa Nghị định số 18 để dừng thu loại phí này tại cuộc họp thường kỳ đánh giá về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương tổ chức chiều 14/7.
Trên thực tế thời gian qua tại nhiều địa phương đã có ý kiến về việc nên hay không tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Cụ thể hai tỉnh là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bỏ thu phí xe máy. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có chung kiến nghị. Đà Nẵng và Khánh Hòa cũng đã quyết định ngừng thu phí đường bộ đối với xe máy.
Việc thu phí đường bộ đối với xe máy sẽ được Bộ GTVT kiến nghị dừng nhưng với ô tô cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa
Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư và các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT cũng thừa nhận, việc thu phí đường bộ đối với xe máy hiện nay đang gặp một số khó khăn, bất cập.
Tuy nhiên các ý kiến đều cho rằng, có thể cân nhắc việc dừng thu loại phí này nhưng cũng cần lấy ý kiến đầy đủ các địa phương để tạo sự đồng thuận bởi hiện nay đa số vẫn muốn tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ với xe máy.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ cũng rất băn khoăn đối với việc nên hay không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy bởi nó liên quan đến ngân sách và ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương.
Thế nhưng nếu thực hiện mà không có chế tài xử lý thì sẽ rất khó thu, không đạt hiệu quả.
“Đối với hai địa phương là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội thì nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ với xe máy không đáng bao nhiêu so với nguồn thu trên địa bàn nhưng các tỉnh khác thì lại rất cần.
Tuy nhiên việc thu hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị cho sửa Nghị định số 18 để dừng thu loại phí này. Trong khi đó, việc thu phí đường bộ với ô tô cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa…”, Bộ trưởng Đinh La Thăng chốt vấn đề.
Liên quan đến việc thu phí này TPHCM là địa phương có phản ứng gay gắt nhất. Cụ thể, bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM nói thẳng: để vận hành được xe máy, người ta phải đổ xăng mà khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho nhà nước.
"Giờ cứ thu thêm nữa, đó là tận thu của dân”, bà Trương Thị Ánh gay gắt.
Theo đó bà Ánh cho biết: "TPHCM trước mắt chấp hành theo chỉ thị của Chính phủ, nhưng sau đó chúng tôi vẫn tiếp tục phản ảnh ý kiến của đại biểu, của người dân để trên cơ sở đó Chính phủ xem xét thêm".
Phương Nguyên (Tổng hợp)