Hà Nội

Sắp công nhận người chuyển giới ở Việt Nam

13-05-2017 08:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trên thực tế, đã có nhiều người chuyển đổi giới tính (CĐGT) ở nước ngoài hoặc phẫu thuật CĐGT tại các cơ sở chưa được phép dẫn đến việc gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập xã hội.

Có khoảng 300.000 người chuyển giới

Bên lề hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng đối với dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật CĐGT diễn ra sáng 12/5 tại Hà Nội, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, ước tính nước ta có khoảng 300.000 người là người chuyển giới, số người có mong muốn được CĐGT là rất nhiều.

Trên thực tế, đã có nhiều người CĐGT ở nước ngoài hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính tại các cơ sở chưa được phép dẫn đến việc gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập xã hội. Theo thống kê không đầy đủ, hiện Việt Nam có khoảng 23 người đã thực hiện phẫu thuật CĐGT tại Thái Lan, Hàn Quốc và trở về Việt Nam sinh sống.

chuyển giớiMột người chuyển giới nữ chia sẻ tại hội thảo.

Chỉ công nhận CĐGT với các trường hợp có can thiệp y học?

Ông Quang cho biết, để phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, pháp luật, đạo đức và phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, dự kiến tới đây sẽ công nhận CĐGT đối với các trường hợp đã sử dụng hoocmon hoặc đã can thiệp ngoại khoa về các bộ phận của cơ thể như ngực, hoặc cơ quan bộ phận sinh dục.

Còn đối với các trường hợp không can thiệp gì về mặt y học, tức là không điều trị gì về hoocmon, không điều trị gì về ngoại khoa thì sẽ không công nhận. Bởi lẽ điều này liên quan đến nhiều vấn đề như cần xem xét mặt tâm lý, hoặc có trường hợp lợi dụng điều này trốn tránh nghĩa vụ quân sự, trốn tránh trách nhiệm về mặt pháp lý; hoặc tránh được các hệ quả của việc đua đòi, a dua của một bộ phận nào đó. Điều này cũng rất phù hợp với đa số các nước trên thế giới.

Trên thế giới hiện nay đã có 61 quốc gia cho phép thực hiện CĐGT, trong đó có 38 quốc gia ở Châu Âu yêu cầu người có mong muốn được công nhận CĐGT phải trải qua phẫu thuật, sau đó mới được công nhận về mặt giấy tờ nhân thân…

Liên quan đến độ tuổi can thiệp y học để CĐGT, đây là điều rất quan trọng vì quyết định này sẽ ảnh hướng đến suốt cuộc đời còn lại của họ. Nhiều ý kiến cho rằng nên quy định người đủ từ 18 tuổi trở lên vì ở độ tuổi này đã có đủ nhận thức để tự quyết về quyền nhân thân, tự chịu trách nhiệm về năng lực hành vi dân sự, phù hợp với Luật Dân sự hiện nay.

Về tình trạng hôn nhân, có thể chấp nhận tình trạng độc thân (chưa kết hôn, đã ly hôn, hoặc góa vợ, góa chồng) để tạo điều kiện cho những người có mong muốn CĐGT thực hiện ước mơ của mình. Theo ông Quang, đây là điều mang ý nghĩa hết sức nhân văn.

Đối với cơ sở khám chữa bệnh được can thiệp CĐGT, Vụ Pháp chế cho biết, vấn đề bất cập hiện nay là có rất nhiều cơ sở được cho phép phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí nhiều cơ sở chưa được phép vẫn thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, việc cho phép cơ sở nào được thực hiện đến đâu cần có quy định để tránh lạm dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người chuyển đổi giới tính. Do đó, việc công nhận các can thiệp y tế đã thực hiện CĐGT trước ngày Luật CĐGT có hiệu lực cũng cần được xem xét kỹ lưỡng.

Người chuyển giới nói gì?

Ánh Phong, chuyển giới nữ chia sẻ, việc CĐGT ảnh hưởng đến cả cuộc đời, do đó phải đảm bảo sức khỏe của bản thân là trên hết, quá trình đi tìm lại bản thân cần tìm cơ sở hợp pháp, đủ điều kiện để thực hiện tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Việc công nhận các can thiệp y tế đã thực hiện CĐGT cần bắt buộc phải được kiểm tra lại và công nhận tất cả các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật CĐGT trước khi Luật CĐGT có hiệu lực (dựa trên tình trạng thực tế của cơ thể người CĐGT…).

Trúc Linh, chuyển giới nữ đóng góp ý kiến trong hội thảo.

Bạn Susu - một chuyển giới nam thì cho rằng, việc thay đổi một con người về cơ thể sinh học, giấy tờ hộ tịch.. là một sự thay đổi lớn. Do đó, bắt buộc phải kiểm tra tư vấn tâm lý của người có mong muốn CĐGT trước khi được công nhận là người CĐGT giúp họ xác định rõ mình là ai? Có thật sự mong muốn CĐGT? Thử nghiệm vai trò làm người mới thế nào?... Trên thực tế, có người sau khi CĐGT do chưa có sự chuẩn bị trước về tâm lý nên cảm thấy bị cô lập, bế tắc, trầm cảm dẫn đến tự tử..

Bên cạnh đó đã có rất nhiều ý kiến của cộng đồng người chuyển giới đưa ra về vấn đề CĐGT có liên quan như kinh phí, cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu CĐGT,… Thực hiện CĐGT là vấn đề khá tốn kém, do đó, nhiều người chuyển giới bày tỏ mong muốn rằng họ sẽ được bảo hiểm y tế chi trả một phần cho dịch vụ kỹ thuật CĐGT.

Ông Quang cho biết, trong chương trình xây dựng Luật CĐGT, dự kiến cuối năm 2017 sẽ trình dự thảo Luật sang Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình làm Luật của Quốc hội. Dự kiến cuối năm 2019, đầu năm 2020 sẽ được thông qua. Sau khi Quốc hội đã đưa vào chương trình rồi thì sẽ xây dựng dự thảo chi tiết Luật CĐGT.

Việc lấy ý kiến dự thảo báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật CĐGT nhằm bảo đảm quyền được sống đúng với giới tính của mình cho những người có mong muốn CĐGT. Đồng thời tạo ra khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch để hỗ trợ người chuyển giới có được cuộc sống như những người bình thường khác như được chăm sóc y tế, phẫu thuật, chuyển giới, thay đổi hộ tịch, hòa nhập gia đình, cộng đồng và xã hội, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

Dương Hải
Ý kiến của bạn