Chiêu trò thao túng tâm lý
Phản ánh với Báo Sức khỏe và Đời sống, chị T. (40 tuổi) tại Hải Phòng, người vừa mất hơn 1 tỷ đồng do "sập bẫy" lừa đảo khi tìm kiếm đặt phòng khách sạn du lịch kể: "Do có nhu cầu tìm phòng khách sạn cho gia đình đi nghỉ dịp Tết Nguyên đán nên tối muộn ngày 23/1 (tức 24 Chạp), tôi có lên facebook tìm kiếm thông tin đặt phòng khách sạn ở Ninh Bình. Sau khi xem hình ảnh, video một số resort đẹp, đọc các bài đánh giá, bình luận về cơ sở lưu trú, tôi đã chọn fanpage "Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình" để liên hệ hỏi giá phòng, dịch vụ…
Rất nhanh, hệ thống tự động của resort đã trả lời. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi vẫn chưa chốt và đi ngủ.
Đến hôm sau, liên lạc với fanpage resort, họ đã gửi thông tin giá, dịch vụ đi kèm của khách sạn tôi chọn với đầy đủ hình ảnh, thông tin giống hệt với fanpage chính thức của khách sạn Minawa Kênh gà Resort & Spa Ninh Bình khiến tôi tin tưởng. Sau khi trao đổi và thống nhất việc book phòng qua tin nhắn, fanpage này gửi biên lai kèm mã QR yêu cầu tôi chuyển khoản để đặt cọc phòng", chị T. kể lại toàn bộ sự việc.
Theo lời chị T., giá mỗi phòng nghỉ trong dịp Tết mà các đối tượng chào bán chỉ hơn 3 triệu đồng/ phòng. Nhà chị T. đặt 2 phòng lưu trú 3 ngày 2 đêm, tiền phải cọc là 6.570.000 đồng/ 2 phòng. Sau khi thực hiện chuyển khoản cọc xong, chị T. bất ngờ nhận được tin nhắn từ phía "nhân viên" fanpage thông báo rằng giao dịch không hợp lệ vì ghi sai nội dung chuyển khoản nên không thể cọc được phòng. Do đó, chị T. cần chuyển khoản lại theo đúng nội dung fanpage nhắn tự động. Còn khoản tiền chuyển sai nội dung, khách sạn sẽ hướng dẫn lấy lại ngay khi việc đặt cọc hoàn tất. Không chút đắn đo vì thời gian dịp cận Tết quá bận, chị T. đã chuyển cọc lần 2 số tiền 6.570.000 đồng.
Để nạn nhân yên tâm về dịch vụ khách sạn, đối tượng lừa đảo hướng dẫn chị T. cách thao tác lấy lại số tiền đã chuyển cọc lần 1 vì sai nội dung bằng "kích hoạt mã VNPay". Chúng còn gửi video hướng dẫn cho chị T. xem và làm theo. Tuy nhiên, thời gian cuối năm khá bận, bản thân muốn kết thúc nhanh còn làm việc khác, thấy thời lượng video dài nên chị T. đề nghị nhân viên fanpage qua điện thoại hướng dẫn trực tiếp cho nhanh.
Với chiêu trò thao túng tâm lý nạn nhân, nhóm đối tượng đã hướng dẫn chị T. kích hoạt mã mà chúng cung cấp. Mỗi lần chuyển tiền, con số giao dịch lại tăng dần: lần 3 hơn 39 triệu đồng; lần thứ 4 là hơn 125 triệu đồng; lần thứ 5 là 379 triệu đồng; lần thứ 6 là 485 triệu đồng. Cứ thế, tới lần thứ 7, chị T. vẫn không hay biết rằng mình đang rơi vào bẫy lừa đảo của chúng.
Sau khi số tiền chuyển đi lên tới hơn 1 tỷ đồng, chị T. mới sực tỉnh, thấy điều bất thường nên vào trang website của khách sạn liên lạc theo số hotline của resort để kiểm chứng. Qua cuộc gọi, chị T. như chết đứng khi được thông báo, resort đã kín phòng đặt từ 3 tháng nay, hiện không còn phòng trống chào bán.
Biết mình đã dính bẫy lừa đảo fanpage giả mạo, chị T. tá hỏa, hoang mang và làm đơn trình báo công an.
Chị T. thừa nhận từng đọc nhiều thông tin cảnh báo lừa đảo trên mạng nhưng thời điểm cuối năm, bề bộn công việc nên chị đã mất cảnh giác. Hơn nữa, khi thấy thấy thông tin số tài khoản trên danh nghĩa một công ty du lịch nhận tiền đặt cọc nên chị đã rất tin tưởng và thực hiện theo hướng dẫn trực tiếp của fanpage giả mạo.
"Tôi biết, khó có thể lấy lại số tiền đã mất nhưng qua sự việc trên, mong mọi người cùng cảnh giác và không bị sập bẫy lừa đảo như tôi", chị T. nhắn nhủ.
Ngay khi thông tin chị T. bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng trên mạng được chia sẻ rộng rãi, nhiều chủ tài khoản trên facebook thừa nhận, đã từng bị lừa giống như trường hợp chị T.
Chủ tài khoản Đỗ Liên chia sẻ từng bị mất 15 triệu cùng với thủ đoạn tương tự. Theo tài khoản Nguyễn Dung, chị cũng từng là nạn nhân trong vụ lừa đảo online này. "May mà số tiền không phải tiền tỷ như bạn này thôi… 105 triệu ngày 2/8/2022", chị Dung comment.
"Đồng cảm với mọi người, hiểu cảm giác và tâm lý lúc đó mà. Em thì chắc may mắn hơn anh chị là chỉ có hơn 60 triệu thôi. Nhưng mà học được nhiều thứ sau lần đó", tài khoản Trần Hưng chia sẻ.
Một số cá nhân cho rằng, không vì sai nội dung chuyển tiền mà khách sạn lại không thừa nhận việc đặt cọc phòng, cho nên khi nghe như thế, mọi người hãy cảnh giác có sự lừa đảo ở đây.
Cảnh giác các chiêu trò lừa đảo trên mạng
Trước tình trạng lừa đảo ngày càng phổ biến, Công an thành phố Hải Phòng đã cảnh báo một số chiêu trò lừa đảo trực tuyến trong dịp Tết Nguyên đán như: Giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp đưa ra các chương trình tri ân, tặng quà, khuyến mại; Kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo; Lừa đảo qua hình thức quảng cáo, giới thiệu việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập...; Lừa đảo bán vé máy bay, vé tàu xe giá rẻ...; Lừa đảo cho vay tiền hoặc đổi tiền mới qua mạng...; Lập tài khoản mạng xã hội giả mạo hoặc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo...
Thông tin cảnh báo nêu rõ, khi lừa đảo bán vé máy bay, vé tàu xe, phòng khách sạn giá rẻ, các đối tượng lập các trang web hoặc các fanpage giả mạo, quảng cáo về các gói combo, tour du lịch, vé máy bay, vé tàu xe giá rẻ, đặt phòng khách sạn với giá ưu đãi trong dịp Tết. Để tạo thêm sự tin cậy từ các nạn nhân, chúng phân vai, giả làm khách hàng từng mua vé, đặt phòng thành công, sau đó bình luận tích cực trên bài quảng cáo; thậm chí chỉnh sửa hình ảnh giao dịch giả mạo khiến nạn nhân tin tưởng. Khi nhận được tiền từ nạn nhân, chúng lập tức chặn liên lạc, xóa dấu vết tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nhận được.
Qua những sự việc như trường hợp chị T., Công an thành phố Hải Phòng kêu gọi người dùng mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng khi thực hiện giao dịch trực tuyến.
Để tránh rơi vào bẫy của kẻ gian, công an khuyến cáo người dân khi thực hiện đặt phòng khách sạn qua mạng nên:
Kiểm tra kỹ fanpage bằng cách tìm kiếm thông tin trên trang web chính thức của khách sạn. Liên hệ trực tiếp với khách sạn qua số điện thoại hoặc email trên website chính thức để xác nhận thông tin đặt phòng. Không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân khi chưa có xác nhận rõ ràng từ phía khách sạn. Cảnh giác với các yêu cầu chuyển khoản bổ sung hoặc những lý do bất thường để yêu cầu thêm tiền. Báo cáo các fanpage giả mạo và thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Các hình thức lừa đảo qua mạng đang ngày càng phức tạp, vì vậy, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức và kỹ năng bảo vệ tài chính của mình, tránh để xảy ra tình trạng thất thoát tài sản không đáng có.