Sập bẫy combo du lịch giá rẻ tràn lan trên mạng

26-04-2021 10:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ với từ khóa “lừa đảo combo du lịch”, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều kết quả trên các hội nhóm mạng xã hội.

So với chiêu trò dùng tài khoản ảo, cách thức lừa đảo hiện tại đã khó nắm bắt hơn rất nhiều, nên ngày càng có nhiều người dễ rơi vào bẫy lừa của kẻ xấu bán combo du lịch giá rẻ.

Vẫn chiêu bài chuyển tiền rồi mất hút

Sáng 21/4, chị N.T.H ở Hà Nội đặt 4 combo nghỉ lễ 30/4 qua một tài khoản facebook trong nhóm tư vấn du lịch Sa Pa. Combo 3 ngày 2 đêm gồm vé xe giường nằm khứ hồi Hà Nội - Sa Pa và phòng nghỉ tại resort 4 sao ở trung tâm thị xã. Giá mỗi gói là 1,9 triệu đồng/người và tổng khoản tiền cần thanh toán là 7,6 triệu đồng. Người bán yêu cầu du khách chuyển khoản cọc 3 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân, sau đó sẽ gửi mã đặt xe, phòng qua email.

Chuyển tiền từ 10h đến 15h cùng ngày không nhận được mã, chị N.T.H liên hệ lại với người bán thì phát hiện mình đã bị tài khoản này chặn. Hôm sau, chị đăng bài trên các hội nhóm du lịch để tìm kiếm thông tin người bán, hy vọng lấy lại tiền, nhưng phần lớn bài đăng nhận được phản hồi rằng đây là tài khoản ảo, sử dụng tên và ảnh của người khác để lừa đảo ở nhiều nơi.

Tương tự, L.T.N, một du khách từ Hải Dương, cũng sập bẫy combo ảo vì những chiêu trò tinh vi. Giữa tháng 5, khi cô đăng bài trên nhóm du lịch, tìm phòng nghỉ ở Nha Trang cho chuyến đi ngày 29/4 - 2/5, có tin nhắn đã liên hệ lại với cô, giới thiệu combo gồm vé máy bay và 1 đêm nghỉ resort 5 sao nổi tiếng tại Nha Trang, với giá 3,1 triệu đồng/người lớn và 1,5 triệu đồng/trẻ em. Người này gửi cho L.T.N mã đặt chỗ máy bay, khách sạn và yêu cầu thanh toán đủ combo 5 người lớn, 1 trẻ em. Để tăng độ tin cậy, người này gửi hình chứng minh thư và những giao dịch đã thành công trước đó. Sau khi xác nhận có mã đặt chỗ với hãng hàng không và khách sạn, L.T.N chuyển khoản đủ 17 triệu đồng tới số tài khoản ngân hàng có trùng tên trên chứng minh thư. Sau 1 ngày không nhận được email xác nhận, L.T.N kiểm tra lại trên website các hãng thì thấy mã đặt chỗ đã bị hủy do chưa thanh toán sau 24 giờ. Liên hệ với người bán combo, cô liên tục nhận được những giải thích khó hiểu. Nhiều ngày sau vẫn không nhận được tin nhắn hay mail xác nhận từ hệ thống, L.T.N biết mình bị lừa và cũng không liên hệ được với người bán nữa.

Hai trường hợp trên chỉ là điển hình trong rất nhiều trường hợp bị lừa đặt combo du lịch giá rẻ trong thời gian qua.

Nhiều người đã mắc lừa khi đặt combo du lịch giá rẻ trên mạng (ảnh minh họa).

Nhiều người đã mắc lừa khi đặt combo du lịch giá rẻ trên mạng (ảnh minh họa).

Nhiều cách thức lừa trên mạng xã hội

Việc mạng xã hội trở nên phổ biến khiến nhu cầu tiếp nhận, tìm hiểu thông tin của người dân thường được thực hiện trên môi trường này. Mọi giao dịch dễ dàng “chốt đơn” chỉ sau vài tin nhắn. Người cần tìm combo đăng bài và chỉ vài phút sau, rất nhiều người bán sẽ tự động nhắn tin quảng cáo, tư vấn tới họ. Các mạng xã hội tập trung người bán, người mua nên dễ bị những đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Chúng không cần đăng tin rao bán mà chỉ cần có khách hỏi mua sẽ tự động nhắn tin mời chào, không thể biết ai thật, ai giả. Không phải hội nhóm lập ra để lừa đảo, nhưng hội nhóm đã bị lợi dụng và biến tướng.

Ngoài chiêu trò này, những kẻ lừa đảo giờ còn mạo danh các hãng lữ hành lớn đăng tin lên hội thanh lý voucher, combo, để giao dịch và lừa đảo. Ngoài những thủ thuật “biến ảo khó lường” này, nhiều kẻ gian còn sử dụng số giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép lữ hành, giải thưởng và tạo website rất đẹp để lừa khách.

Nên làm gì để tránh bị lừa?

Các vụ lừa đảo combo du lịch chưa bị các cơ quan pháp luật xử lý trong thời gian qua. Nguyên nhân chính do việc đặt combo du lịch, thanh toán tiền đều trên mạng xã hội. Người mua combo không biết tên, mặt hay địa chỉ liên hệ của người bán là khá phổ biến. Do đó, khi bị lừa đảo, nếu người mua trình báo với cơ quan chức năng thì cũng mất nhiều thời gian để xác định danh tính, thông tin đối tượng lừa đảo cũng như chứng minh hành vi lừa đảo của đối tượng. Hơn nữa, nhiều khách hàng cũng có tâm lý ngại trình báo cơ quan pháp luật do số tiền bị chiếm đoạt không lớn. Điều này khiến các vụ lừa đảo diễn ra nhiều hơn.Hơn nữa, với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo trực tuyến thường khóa tài khoản mạng xã hội, chặn hoặc hủy thông tin liên lạc. Do đó, cơ quan chức năng khó quản lý, truy vết và xử phạt.

Vì vậy, để tránh mắc lừa, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trọng quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý. Khách hàng cần tìm hiểu kỹ thông tin về đơn vị cung cấp dịch vụ, các chương trình khuyến mãi, tham khảo thị trường và cảnh giác trước những combo, tour giá rẻ bất thường vào dịp cao điểm. Nên đặt dịch vụ của những công ty uy tín để có đầu mối phản ánh, khiếu nại khi gặp vấn đề trong quá trình giao dịch hay trên đường du lịch.

Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp.


Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn