Hà Nội

Sao xã hội này vô cảm?

21-11-2013 11:28 | Y tế
google news

Thỉnh thoảng đọc báo lại giật mình, chuyện 1 người sắp chết do tai nạn bị bỏ mặc, 1 người bị thương do ngã xe nằm im bên đường, mọi người vẫn vội vã vọt qua, đám đông bu vào đông dần và bàn tán...

Thỉnh thoảng đọc báo lại giật mình, chuyện 1 người sắp chết do tai nạn bị bỏ mặc, 1 người bị thương do ngã xe nằm im bên đường, mọi người vẫn vội vã vọt qua, đám đông bu vào đông dần và bàn tán... Mọi ô tô bị chặn lại đều từ chối chở người đi cấp cứu. Nếu buổi tối, khi đường rất vắng không còn ai, thì càng ít người dừng xe giúp đỡ, họ ngại phiền - phức.
 
Chỉ liếc qua báo mạng, thì không thiếu những người bị đánh, thậm chí đã có trường hợp bị đâm đâm chết, bởi người nhà nạn nhân, do bị nghi chính là thủ phạm. Bởi vì thường thường, khi tai nạn xảy ra, mọi người luôn bắt người va chạm với nạn nhân đưa nạn nhân đi viện cấp cứu. Sai đúng xét sau. Người nhà nạn nhân, không cần biết phân biệt phải trái, giữ dịt người giúp đỡ lại, hoặc giữ giấy tờ giữ xe, chờ nạn nhân tỉnh để đối chứng.
 
Nếu anh giúp người may mắn, nạn nhân tỉnh lại, và nói nguyên nhân tai nạn, anh sẽ được xin lỗi và được cám ơn. Nhưng đó là may mắn, nếu không may, nạn nhân tỉnh lại nhưng không nhớ gì (trường hợp này không ít), hoặc xúi quẩy hơn, nạn nhân chết, thậm chí chết trên đường đến viện, khi đưa đến cổng viện họ chỉ là cái xác, lúc này thì thật tai bay vạ gió, anh giúp người lúc này không thể thanh minh, bác sĩ, công an, dân sẽ xúm đông xúm đỏ, và người nhà nạn nhân bám vào cái lí nghe có vẻ lọt tai: “Nếu anh không gây tai nạn, sao anh đưa nạn nhân vào viện?”.
 
Bạn của tôi, đã dừng xe chở 1 anh bị tai nạn bất tỉnh theo lời đề nghị của đám đông, khi đến viện, 1 anh đi cùng giúp khiêng người và biến mất, anh bạn tôi phải để tên tuổi, đặt cọc tiền viện gần 3 triệu, và tìm số điện thoại gọi người nhà nạn nhân đến.
Sao xã hội này vô cảm? 1
Việc đầu tiên của đội cứu hộ là cố định cổ nạn nhân, và đưa lên cáng nhẹ nhàng nhất có thể
Khi người nhà đến, anh tưởng xong và được cảm ơn vì việc thiện, nhưng tai bay vạ gió, anh bị nghi là người gây tai nạn, không ai tin khi nghe anh giải thích, họ gọi công an đến, anh bị giữ ô tô để điều tra hơn 1 tháng. Anh nạn nhân do say quá khi tỉnh lại hoàn toàn không nhớ gì, và để chạy cho chiếc xe tiền tỷ ra, anh bạn tôi phải đi lại nhiều lần rất mất thời gian, anh phải lo lót tiền cho chính người anh cứu và thân nhân để họ kí vào biên bản 2 bên tự giải quyết. Vụ việc xong xuôi, anh phải mất thêm hơn 1 triệu để giặt ghế xe do máu bám, mất tiền lưu kho cho cái xe yêu quý và tiền bảo dưỡng xe do bị bỏ không quá lâu.  Và tôi cược nếu quay lại được thời gian, anh sẽ bỏ mặc người bị nạn, vì quá nhiều rắc rối sẽ đến sau đó.
 
Tôi cũng nghe nhiều chuyện có anh đưa người tai nạn giữa đêm đi cấp cứu, và bị chém đứt gân tay, hoặc bị người nhà nạn nhân đánh hội đồng, mà không hề kịp thanh minh câu “Chính tôi là ân nhân!”. Có anh đưa người đi cấp cứu thì té ra nạn nhân trước khi bị tai nạn đã cầm 1 số tiền lớn, và nó không cánh mà bay, lúc này anh đưa người cấp cứu rất khó thanh minh, và người nhà thì tóm chặt đòi khoản tiền đó!!!
 
Trong các trường hợp tai nạn ở phương Tây, người dân không bao giờ di chuyển nạn nhân, trừ khi nạn nhân đang ở trong 1 chiếc xe đang cháy, nếu không lôi ra kịp thì sẽ chết cháy, nếu không họ chỉ ngồi cạnh, an ủi nạn nhân và gọi cấp cứu nếu không biết cách sơ cứu. Và việc đầu tiên của đội cứu hộ là cố định cổ nạn nhân, và đưa lên cáng nhẹ nhàng nhất có thể.
 
Ở nước ta, bất biết thế nào, khi nạn nhân bất tỉnh, đều bế xốc nạn nhân lên đưa vào viện, thậm chí để nạn nhân nằm vắt vẻo trên xe máy… Về y mà nói, nếu nạn nhân bị gãy cổ, thì cú bê đó khiến nạn nhân chết ngay, hoặc cả đời họ sẽ ở trên xe lăn, vì tổn thương tủy sống, hoặc nếu bị gãy xương, cái xương gãy sẽ chọc đâu đó gây nặng hơn, hay chấn thương sọ não thì bị gập cổ khiến cho nạn nhân ngừng thở vĩnh viễn …
 
Ở Việt Nam, nhân dân thường không được học qua cách sơ cứu, và nếu bạn cũng chưa biết cách, tôi khuyên bạn không nên cứu. Khi cứu 1 ai đó, nếu không biết đúng cách, rất có thể bạn đã giết người ta. Và với bao nhiêu rủi ro bạn có thể gặp sau đó với người nhà nạn nhân, hãy cân nhắc khi cứu 1 ai đó.
 
Chính tôi, khi lái xe thấy 1 đám đông phía trước, có 1 xe máy nằm đường với 1 vết cày và dầu loang dưới lòng đường, 2 chiếc dép tổ ong và chiếc mũ bảo hiểm lăn lóc rải rác, tôi thấy vài người đang cố vẫy xe ngược chiều…. Tôi giảm số, tạt vào vệ đường, cài số lùi, và quay ra đường khác, vài xe khác cũng làm y như tôi.
 
Nếu anh nạn nhân hôm đó có do cấp cứu muộn mà qua đời, mong anh hãy hiểu cho tôi, sống ở xã hội này, muốn làm người lương thiện cũng đâu có dễ…
 
Nguyễn Quảng
(từ  Milton Keynes, Anh Quốc)
 
Mọi bài vở xin gửi về báo Sức khỏe&Đời sống, email: baoskds@yahoo.com hoặc bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm của độc giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

Ý kiến của bạn