Sao Thái Dương có dấu hiệu bịa đặt thông tin vụ thu hồi Dầu gội Aladin?

11-04-2025 16:42 | Thị trường
google news

SKĐS - Sao Thái Dương có dấu hiệu bịa đặt thông tin vụ thu hồi sản phẩm Dầu gội Aladin của Cục Quản lý Dược khi đăng thông báo gửi khách hàng cho rằng đã chủ động thu hồi sản phẩm. Công ty này cũng phản bác nguyên nhân thu hồi của Cục Quản lý Dược và biện minh rằng, Methylparaben không bị cấm.

Mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Methylparaben

Ngày 8/4, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ban hành Công văn số 1016/QLD-MP về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Sao Thái Dương có dấu hiệu bịa đặt thông tin vụ thu hồi Dầu gội Aladin?- Ảnh 1.

Công văn yêu cầu thu hồi sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin của Cục Quản lý Dược Bộ Y tế dựa trên đề nghị của Sở Y tế Trà Vinh, không có thông tin Sao Thái Dương chủ động thu hồi như thông báo của Công ty này.

Sản phẩm bị thu hồi là Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin - Hộp 1 tuýp 30g. Trên nhãn ghi Số lô: 0050924; HD: 13/9/2027; Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần Sao Thái Dương (Địa chỉ: Lô CC1-III.13.4 thuộc dự án khu đô thị mới Pháp Vân, Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội); Chi nhánh Công ty cổ phần Sao Thái Dương tại Hà Nam (Địa chỉ: Khu công nghiệp Đồng Văn, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sản xuất.

Việc thu hồi sản phẩm được Cục Quản lý Dược căn cứ dựa trên Công văn số 42/BC-TTKN đề ngày 12/3/2025 của Trung tâm Kiểm nghiệm - Sở Y tế tỉnh Trà Vinh gửi kèm Phiếu kiểm nghiệm số 033L/KN-25 ngày 28/02/2025 và hồ sơ liên quan báo cáo lô sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin - Hộp 1 tuýp 30g. Trên nhãn ghi Số lô: 0050924; HD: 13/9/2027. Tổ chức chịu trách nhiệm như nêu trên.

Các căn cứ khác bao gồm: Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Điều 2 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và căn cứ Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm.

Lý do bị thu hồi theo Công văn của cơ quan quản lý đó là: Mẫu mỹ phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin do Trung tâm Kiểm nghiệm - Sở Y tế tỉnh Trà Vinh lấy mẫu tại Nhà thuốc địa chỉ: Khóm 1, phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh để kiểm tra chất lượng. Mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng do chứa Methylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Sao Thái Dương có dấu hiệu bịa đặt thông tin vụ thu hồi Dầu gội Aladin?- Ảnh 2.

Sao Thái Dương không khai báo thành phần Methylparaben trong lô sản phẩm Aladin bị đề nghị thu hồi.

Theo Phiếu công bố số tiếp nhận 37/22/CBMP-HNA đã được Sở Y tế tỉnh Hà Nam cấp cho sản phẩm Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin, Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần Sao Thái Dương; Chi nhánh Công ty cổ phần Sao Thái Dương tại Hà Nam (Địa chỉ: Khu công nghiệp Đồng Văn, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sản xuất. Methylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm kê khai trên Phiếu công bố.

Chỉ một hay toàn bộ Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin không đạt chuẩn?

Văn bản của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế là rất rõ ràng. Tuy nhiên, chiều ngày 10/4, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đã đăng tải thông báo trên trang Facebook của Công ty với một số nội dung trái ngược với Văn bản yêu cầu thu hồi sản phẩm của cơ quan chức năng.

Cụ thể, Sao Thái Dương thông báo là "đã chủ động xử lý ngay sau khi phát hiện vấn đề để đảm bảo quyền lợi ích cho khách hàng". Thực tế, việc thu hồi do Sở Y tế tỉnh Trà Vinh phát hiện và có Công văn đề nghị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế thu hồi. Văn bản không cho thấy Sao Thái Dương chủ động phát hiện và ra thông báo thu hồi như thông cáo.

Về Menthylparaben, Sao Thái Dương cho rằng: "Thành phần Methylparaben trong hàm lượng cho phép là chất bảo quản thường được dùng trong nhiều loại sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống, không phải là thành phần bị cấm sử dụng".

Có thể sẽ có người cho rằng, giải thích này chưa thực sự thuyết phục. Bởi vì theo quy định thì đơn vị chịu trách nhiệm phải khai báo thành phần này với cơ quan quản lý. Vì Methylparaben mặc dù được phép sử dụng trong mỹ phẩm nhưng phải tuân thủ quy định về hàm lượng, phải khuyến cáo liều dùng giới hạn (nếu có). Việc lạm dụng Methylparaben quá mức có thể dẫn đến tác dụng phụ bao gồm kích ứng da, dị ứng và gây nguy cơ ung thư da...

Tại thông báo chiều 10/4, Sao Thái Dương cũng cho rằng, sản phẩm được nói đến là 1 lô Dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin chứ không phải tất cả các lô này trên thị trường và cũng không phải các dòng dầu gội dược liệu Thái Dương. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, Sở Y tế Trà Vinh mới chỉ lấy mẫu 1 lô, những lô khác và sản phẩm khác chưa được lấy mẫu nên cũng khó có thể kết luận được là các lô khác, sản phẩm khác có hay không có các thành phần không được công ty khai báo.

Sao Thái Dương có dấu hiệu bịa đặt thông tin vụ thu hồi Dầu gội Aladin?- Ảnh 3.

Trang mạng xã hội của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đưa một số thông tin trái với Công văn thu hồi sản phẩm Aladin của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.

Tác hại của Paraben

Về tác dụng và tác hại của Paraben đối với sức khỏe con người, Báo Sức khỏe & Đời sống đã có nhiều bài viết, nêu ý kiến của chuyên gia trả lời về vấn đề này.

Theo Thiếu tá, ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo, Trưởng Khoa Da liễu Miễn dịch, Bệnh viện 19-8 - Bộ Công an, paraben dùng làm tá dược trong mỹ phẩm với một lượng vừa đủ để bảo quản sản phẩm. Thành phần này có mặt trong hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng ẩm, sản phẩm chăm sóc tóc, sản phẩm cạo râu, chất khử mùi, sữa tắm, các loại kem dưỡng thể và mỹ phẩm trang điểm.‏

‏‏Có thể tìm thấy thành phần paraben trong mỹ phẩm dưới các tên phổ biến như Butylparaben, Ethylparaben, Methylparaben và Propylparaben.

ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo cho biết, paraben trong mỹ phẩm có thể gây tình trạng kích ứng, tổn thương trên da, nhất là đối với người có làn da nhạy cảm. Thành phần Methylparaben có thể phản ứng với tia UVB trong ánh nắng mặt trời gây lão hóa sớm và làm tăng nguy cơ mắc ung thư da. ‏

‏Ngoài ra, Paraben có thể gây ung thư vú ở phụ nữ hoặc làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản do làm tăng lượng estrogen trong cơ thể. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy paraben có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng sinh sản ở nam giới. Theo đó, butylparaben có thể gây giảm chất lượng, số lượng và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tinh trùng. Chính vì những tác hại nêu trên, paraben không được cấp phép sử dụng trong mỹ phẩm.

ThS. BSCKII. Phạm Ngọc Hảo giải đáp về tác hại của paraben trong mỹ phẩm.

Từ năm 2015, Cục Quản lý Dược đã loại một số chất sử dụng trong mỹ phẩm, trong đó có Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối, dạng hỗn hợp các Paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo acid) và 05 Paraben (isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben) được bổ sung vào danh mục các chất không được dùng trong mỹ phẩm.



Minh Tâm
Ý kiến của bạn