Năm 2008, anh ruột tôi (trú tại huyện Long Thành, Đồng Nai) cưới vợ, có làm đám cưới nhưng chị dâu không chịu làm giấy đăng ký kết hôn. Nửa năm sau, chị về nhà mẹ đẻ ở trong khi đang mang thai, anh trai tôi bị “cấm cửa” từ đó. Mới đây, anh tôi có tình cảm với người phụ nữ khác và muốn gắn bó nên làm giấy kết hôn, khi anh tôi lên xã xin làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì xã không đồng ý và hướng dẫn ra tòa làm đơn xin hủy hôn nhân trái pháp luật, chờ tòa ra tuyên bố không phải vợ chồng. Mẹ tôi sau khi tham khảo luật sư đã lên xã trình bày lại thì được hướng dẫn là anh trai tôi phải đăng ký kết hôn lại rồi ra tòa làm đơn ly dị, sau đó mới làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được. Xin hỏi việc xã hướng dẫn vậy có đúng không? Và anh trai tôi phải làm gì để được đăng ký kết hôn?
Trả lời:
Theo quy định của Điều 11 - Đăng ký kết hôn của Luật Hôn nhân và gia đình:
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của luật này.
Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của luật này đều không có giá trị pháp lý.
Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Như vậy, hiện tại, việc anh trai của bạn và người phụ nữ đầu tiên không đăng ký kết hôn nên không được pháp luật công nhận là vợ chồng, không cần phải ra tòa án để làm thủ tục này.
Anh của bạn tất nhiên có thể đăng ký kết hôn với người phụ nữ sau (không cần phải đăng ký kết hôn với người vợ trước rồi sau đó ly hôn).
Như vậy, hướng dẫn của UBND xã rằng anh trai của bạn phải đăng ký kết hôn lại rồi ra tòa làm đơn ly hôn mới làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như vậy không chính xác. Bạn có thể nộp đơn khiếu nại đến UBND huyện để được giải quyết.
XH-BĐ