Trình làng bằng album đầu tay Huyền thoại lời ru đối với Trần Hồng Nhung – giải Nhì dòng Thính phòng Sao Mai 2009 như sự khẳng định chỗ đứng mới của một Sao Mai sau 3 năm miệt mài phấn đấu. Album này cho thấy diện mạo một Trần Hồng Nhung vừa đủ độ “chín” trong nghề và đang say sưa trên con đường sáng tạo nghệ thuật.
Còn nhớ ở cuộc thi Sao Mai 2009, những cái tên Bùi Lê Mận, Mỹ Như, Lê Xuân Hảo, Trần Hồng Nhung đã là những nốt lặng đáng nhớ của khán giả khi theo dõi các vòng thi. Ở cuộc thi chung kết năm đó, cái tên Trần Hồng Nhung đã được xướng lên ở vị trí Á quân phong cách Thính phòng khiến không những Nhung mà cả bố mẹ Nhung cũng hết sức bất ngờ.
Gia đình không có ai làm nghệ thuật, thậm chí bố mẹ còn làm nghề sắt thép xây dựng, chẳng dây mơ rễ má gì với nghệ thuật, thế nên con đường đến với ca hát của Nhung không mấy dễ dàng vì không được sự ủng hộ của gia đình. Thế nhưng có lẽ quê hương Bắc Ninh với những câu hát quan họ mượt mà, đằm thắm đã thấm vào tâm hồn cô bé từ nhỏ và rồi nó cứ ám ảnh, bám riết suốt tuổi thơ của Nhung. Cũng may, ông chú họ là NSƯT Quốc Hưng – Phó khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN) thuyết phục được gia đình và đã chắp cánh cho ước mơ của Nhung thành sự thật.
Mảnh mai, xinh xắn và đài các như một tiểu thư, nhưng nghị lực của cô gái này cũng đáng nể phục. Từ năm 2003 – 2009, Trần Hồng Nhung đã học xong hệ trung cấp và đại học tại HVANQGVN. Năm 2012 vừa qua, Nhung lại đỗ thủ khoa chuyên ngành Thanh nhạc hệ cao học.
Cái nôi của Nhung hiện nay là Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Đi nhiều, biểu diễn nhiều nơi, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, điều Nhung cảm nhận sâu sắc nhất là tình cảm của khán giả đối với quê hương đất nước qua những lời ca. Nhung kể, lần nào đi diễn cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng vậy, khán giả đều yêu cầu Nhung hát bài Quê hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, dưới sân khấu, nhiều người lặng lẽ lau nước mắt khiến Nhung vô cùng xúc động, có khán giả còn lên sân khấu ôm Nhung khóc nức nở vì nhớ quê nhà. Đó cũng chính là một trong những lý do để mấy năm nay Nhung đau đáu ấp ủ việc thực hiện album Huyền thoại lời ru. Với Nhung, quê hương chính là mẹ, mẹ chính là quê hương. Ở album này, Nhung đã hát với tâm thế, giọng hát, hơi thở của một người con bày tỏ tấm lòng yêu thương da diết với mẹ, với quê hương đất nước.
Huyền thoại lời ru được hoàn thiện kỹ lưỡng với một ê-kíp đam mê sáng tạo. Là người cầu toàn, Nhung đã phải bỏ đôi ba lần các bản phối vì cảm thấy chưa hài lòng. 10 bài trong album có nhiều bài quen thuộc, từng đóng đinh với nhiều giọng hát đàn chị như Ru con mùa đông (NS Đặng Hữu Phúc), Đất nước lời ru (NS Văn Thành Nho), Mẹ yêu con (NS Nguyễn Văn Tý), Quê hương (NS Giáp Văn Thạch), Huyền thoại mẹ (NS Trịnh Công Sơn)…nhưng Nhung bảo không bị áp lực về điều đó, bởi mỗi người sẽ tự tìm ra cách hát riêng của mình. Với chất giọng cao mà không bị mảnh, có ý thức đưa âm hưởng dân gian vào trong các ca khúc trữ tình mang phong cách thính phòng nên các ca khúc dù quen thuộc, nhưng qua giọng hát của Nhung vừa tạo ra sự sang trọng lại vừa gần gũi với người nghe. Sự cách tân trong hòa âm và cách hát của Nhung không những không làm mất đi tinh thần vốn có của những ca khúc vang bóng một thời mà còn làm cho nó đẹp hơn lên. Chính vì vậy mà những ca khúc này trở nên dễ nghe hơn với các bạn trẻ - những khán giả mục tiêu mà Hồng Nhung hướng tới. Cách thức làm mới những ca khúc cũ chính là cách Nhung thử thách bản thân để hòa mình vào dòng chảy của thời đại mà không mất đi phong cách đã lựa chọn của mình. Màu sắc chủ đạo của Huyền thoại lời ru là trữ tình thính phòng, nhưng có bài lại phảng phất nét dân ca Bắc Bộ, Nam Bộ, có bài lại có âm hưởng ca trù…
Sở hữu một giọng hát đẹp, hỏi Nhung có băn khoăn về sự lựa chọn dòng nhạc của mình, cô ca sĩ trẻ còn đầy nhiệt huyết nhoẻn cười tươi: mỗi lần lên sân khấu luôn ý thức phải làm hài lòng khán giả. Thái độ nghiêm túc ấy thì khán giả sẽ có nhiều hy vọng ở giọng hát của Trần Hồng Nhung. Dự định của cô ca sĩ trẻ này là sẽ tiếp tục làm một album gồm những ca khúc về biển đảo và những người lính để dành tặng các chiến sĩ ngoài hải đảo xa.
Lan Hương