Câu chuyện nhân viên y tế bị hành hung không phải là hiếm, dư luận cũng đã dậy sóng nhiều lần nhưng rồi được một thời gian lại lắng xuống, đến khi có một sự việc hành hung ở địa phương khác lại rộ lên rồi lại lắng xuống và đâu đó ở bệnh viện này, bệnh viện kia nhân viên y tế lại tiếp tục bị hành hung.
Tuy nhiên, vụ việc lần này lại gây xúc động với công chúng vì dù bị lăng mạ, hành hung như vậy nhưng các nhân viên y tế của Trung tâm y tế Thanh Ba đã không hề bỏ cuộc, không ai bỏ chạy. Lúc này sự lăng mạ, chửi bới dường như đã bị 'bỏ ngoài tai' bởi mọi tâm trí đều tập trung vào người bệnh khi cơ hội sống chỉ tính bằng giây, bằng phút. Họ như quên tất cả hiểm nguy với bản thân để tập trung cứu người.
Tôi thật sự xúc động khi xem đoạn video này. Thật may mắn, cháu bé cuối cùng đã được cấp cứu thành công. Mừng cho cháu, mừng cho gia đình. Và cũng mừng cho các y bác sĩ đã không ngại hiểm nguy để cấp cứu cháu. Nếu lúc đó mà các y bác sĩ hoảng sợ không tiếp tục cấp cứu thì cháu bé chắc sẽ không qua khỏi. Tôi cũng đã tự hỏi, nếu lúc đó các y bác sĩ không cứu sống được cháu thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra với họ?
Gọi là may mắn bởi vì khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn cơ may cứu sống thấp. Nếu ngừng tuần hoàn xảy ra ngay trong bệnh viện thì khả năng cứu sống có cao hơn do được cấp cứu ngay và có các thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ, nhưng cũng không ai dám chắc chắn 100% sẽ cứu thành công. Thời gian cấp cứu ngay sau khi ngừng tuần hoàn là thời gian vàng phải tận dụng từng phút, từng giây. Người ta ước tính cứ 1 phút trôi qua thì tỷ lệ cứu sống giảm 10%, trong đó quan trọng nhất là 5 phút đầu tiên.
Ta thấy yếu tố chuyên môn quan trọng như vậy nên khi đó phải tạo điều kiện tối đa cho kíp cấp cứu làm việc. Vì thế dư luận vô cùng lấy làm khó hiểu và phẫn nộ khi thấy gia đình cháu bé không những không hỗ trợ cho nhân viên y tế làm việc mà ngược lại còn lao vào chửi bới lăng mạ, dẫm đạp nhân viên y tế đang cấp cứu con cháu mình. Họ đã tấn công nhân viên y tế ngay cả khi nhân viên y tế đang cấp cứu cho người thân của họ. Nhiều người bày tỏ rằng phải ở hoàn cảnh của bố mẹ và người nhà cháu lúc đó mới thấu hiểu được sự lo lắng và việc họ sốt ruột gào thét yêu cầu cứu con mình cũng là điều dễ thông cảm. Tôi cho rằng việc làm ấy rất nguy hiểm cho bệnh nhân, bởi sẽ tạo ra cho y bác sĩ tâm lý làm việc mất tập trung, bị phân tán và mọi phán đoán bệnh sẽ khó chính xác hơn. Từ đó cơ hội cứu sống người bệnh lại càng mong manh hơn.
Với logic thông thường, không cần phải gì quá cao siêu, ai cũng thấy tấn công chính người đang giúp mình là một việc làm vô ơn, thậm chí có thể là hành động dại dột, vì gây nguy hiểm cho người thân của mình.
Biết vậy tại sao họ vẫn làm?
Trước hết phải nói thật, đó chính là biểu hiện của tình trạng coi thường nhân viên y tế, một tâm lý khá phổ biến trong xã hội. Tâm lý coi thường ngành y, thậm chí thù ghét ngành y có từ bao giờ, tôi không bàn ở bài này, nhưng tôi cho là một tâm lý có thật. Người dân thường nhìn ngành y bằng con mắt nghi kỵ, dè chừng. Khi có sự cố gì không vừa ý xảy ra trong bệnh viện thì phản ứng đầu tiên của đa số người dân (không phải tất cả) là đổ lỗi cho ngành y. Cho nên câu nói phải làm trong ngành mới hiểu những biến chứng, những sự cố y khoa là bất khả kháng mà bác sĩ chúng tôi thường hay nói với nhau người ngoài ngành lại khó hiểu và cho đó là sự bao biện, nhiều người vẫn cho rằng 'bác sĩ người ta nói gì chả đúng, chả được, chả phải nghe'. Sự nghi kỵ không tin tưởng dẫn đến những mâu thuẫn rất khó hòa giải. Ở chiều ngược lại, ở một góc nào đó dường như ngành y cũng đang gián tiếp công nhận tâm lý ấy.
Lý do thứ hai là tình trạng coi thường pháp luật. Mặc dù các điều luật bảo vệ quyền tự do thân thể của mọi công dân, cũng như quyền an toàn khi thi hành công vụ của nhân viên y tế đã có khá đầy đủ nhưng trên thực tế ít khi được áp dụng, gây nên tình trạng nhờn luật, khi có gì không vừa ý thì một bộ phận người dân thường tự phát hành xử theo cảm xúc cá nhân.
Lý do cuối cùng nằm ở nhận thức. Nhiều người dân như tôi được biết họ có một nỗi ám ảnh với hai từ "sốc thuốc" mà trong chuyên môn ngành y gọi là sốc phản vệ. Thực sự thì sốc phản vệ là tình trạng bất khả kháng không thể dự đoán trước. Có những ca sốc phản vệ rất 'giời ơi đất hỡi' như trường hợp bệnh nhân ở Phú Thọ cách đây mấy năm bị sốc phản vệ với hành dẫn tới ngừng tuần hoàn, hôn mê. Hoặc có người bị dị ứng phấn hoa cũng ngừng tuần hoàn. Do đó việc sốc phản vệ với thuốc là điều không tránh khỏi. Nhưng dường như người ta mặc định việc sốc phản vệ với thuốc là do lỗi của bác sĩ, còn sốc phản vệ như kiểu bóc hành hay dị ứng phấn hoa là do cơ địa, do không may mắn.
Và một bệnh nhân nào đó đang bình thường khi bác sĩ tiêm thuốc vào không may bị sốc phản vệ, ngay lập tức lỗi bị quy cho y bác sĩ. Do đó mọi loại bức xúc tội lỗi sẽ được đổ lên đầu họ. Khi trực tiếp chứng kiến người thân của mình bị tai biến thì cảm xúc bộc phát kèm với tình trạng coi thường ngành y, coi thường pháp luật có sẵn sẽ tất yếu xảy ra các vụ tấn công nhân viên y tế như chúng ta vẫn thấy.
Không chỉ ở vụ việc này mà còn ở các vụ việc khác, tôi thấy ngành y nên có tiếng nói mạnh mẽ, đưa sự việc ra xử lý pháp luật công khai, làm bài học cảnh tỉnh cho nhiều người có thói quen hành xử bất chấp pháp luật. Các điều luật bảo vệ nhân viên y tế đã có, nhưng phải qua các vụ xét xử cụ thể thì các điều luật này mới đi vào cuộc sống.
Nên thường xuyên có thông tin cho dư luận hiểu về rủi ro xảy ra trong ngành y là khó tránh khỏi. Đó là sự thật mà người dân nên biết và chia sẻ với nhân viên y tế. Nếu chúng ta chỉ tuyên truyền một chiều ca ngợi ngành y, nào là các ca thành công, ca bệnh khó đã chữa khỏi, ca từ cõi chết trở về… sẽ tạo ra một tâm lý là ngành y là vạn năng, bệnh gì cũng chữa được, nếu có gì thất bại thì là do "chúng nó làm sai, làm ẩu, tắc trách".
Rủi ro khi hành nghề y là tất yếu. Sự hiểu biết của chúng ta thì có hạn mà kiến thức thì mênh mông, có nhiều điều chúng ta chưa biết hết. Mọi tiến bộ khoa học, mọi cố gắng của ngành y đã và đang làm giảm các rủi ro này, nhưng sẽ khó mà nói là đã hết, đã làm giỏi, không có rủi ro.
Câu hỏi đặt ra nghe có vẻ ngờ nghệch nhưng lại là một thực tế đó là biết có rủi ro sao người dân vẫn nên vào bệnh viện? vì lợi ích mà người dân nhận được sẽ cao hơn rủi ro nhiều lần. Vì thế khi chấp nhận vào bệnh viện, là người dân cũng nên hiểu các rủi ro khách quan, tuy rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra. Khi có rủi ro xảy ra hãy chia sẻ với bệnh viện như một phần tất yếu của cuộc sống.
Trong ngành y từ lâu cũng có các loại giấy cam kết miễn trừ trách nhiệm cho bác sĩ khi làm các thủ thuật hay phẫu thuật. Tuy nhiên hầu hết người dân ký các giấy tờ đó như là một thủ tục cần có đủ chứ không thật sự tôn trọng các nội dung trong đó. Nhiều bệnh nhân được yêu cầu đọc kỹ và đặt bút ký nhưng đến khi được thông báo có rủi ro thì vẫn là lỗi tắc trách, không làm hết khả năng. Đương nhiên, trong ngành y cũng có người này người kia nhưng có một sự thật sự cố y khoa là có thật kể, cả ở các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới thì hàng ngày, hàng giờ vẫn có các sự cố y khoa. Sự cố y khoa luôn hiện hữu như một phần tất yếu. Có làm sẽ có sự cố chỉ có không làm mới không có chuyện gì.
Vì thế rất cần sự phân xử của các hội đồng y khoa hoặc tòa án khi có sự cố xảy ra. Nếu là lỗi do nhân viên y tế thì ngành y phải có trách nhiệm bồi thường và chịu hình phạt; còn nếu là lỗi khách quan bất khả kháng thì người dân phải chia sẻ.
Cuối cùng, điều có thể làm được ngay là các bệnh viện nên tổ chức lại các hoạt động cấp cứu theo đúng chuyên môn không cho người nhà vào chứng kiến, để tránh các cảm xúc bột phát khó kiềm chế. Đội ngũ bảo vệ phải có đủ nhân lực để duy trì không gian cho y bác sĩ cứu người.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!