Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 22/2 vừa qua bởi kính thiên văn đặt tại Nam Phi của dự án khảo sát khả năng va chạm của các tiểu hành tinh với Trái đất (viết tắt là ATLAS).
Vật thể được nhìn thấy lần đầu tiên vào ngày 9/1/2023 bởi Đài thiên văn Núi Tím thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nhưng đến ngày 1/3/2023, Trung tâm Tiểu hành tinh thuộc Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (MPC) mới xác nhận nó là sao chổi và đặt tên là C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS).
Hiện tại, C/2023 A3 nằm cách Mặt Trời 7,3 AU (1,090 tỷ km), xa hơn khoảng cách tới sao Mộc. Tuy nhiên, nó đang tiến về phía Mặt Trời và độ sáng sẽ tăng lên nhanh chóng. Theo Đài thiên văn Núi Tím, thiên thể sẽ đạt điểm cận nhật vào ngày 28/9/2024. Khi đó, nó cách Mặt Trời khoảng 0,39 AU (58 triệu km) và có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Theo tính toán quỹ đạo của các nhà thiên văn, sao chổi này di chuyển quanh mặt trời theo chu kỳ khoảng 80.660 năm.
"Các sao chổi thường là những khối băng, đá và bụi liên kết khá lỏng lẻo và dễ bị vỡ ra khi tới gần mặt trời. Nếu sao chổi sống sót được, nó có thể sẽ được nhìn thấy bởi các kính thiên văn nghiệp dư từ tháng 6/2024, trước khi tới gần cận nhật", VACA thông tin.
Các nhà nghiên cứu cho biết ở cận nhật, sao chổi này sẽ nằm khá thấp ở bầu trời phía đông và khó được nhìn thấy đối với nhiều người quan sát ở Trái đất. Khi nó đã vượt qua cận nhật và tiến gần hơn tới Trái đất trên đường đi ra xa khỏi mặt trời, nó sẽ lại nằm cao trên bầu trời. Vào tháng 10/2024, người quan sát từ Trái đất sẽ thấy nó di chuyển từ khu vực của Serpens Caput (phần phía tây của chòm sao Serpens) sang tới Ophiuchus.
Vào thời điểm nêu trên, sao chổi này sẽ sáng như những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm. Nó sẽ sáng hơn sao chổi C/2022 E3 đã đi ngang qua Trái đất hồi tháng 1 năm nay. Nhiều nhà thiên văn học tin rằng nó có thể mang đến một màn trình diễn ánh sáng tuyệt đẹp. C/2023 A3 có chu kỳ rất dài. Nó đến từ những vùng xa xôi của hệ Mặt Trời, với lần gần nhất đạt điểm cận nhật đã là khoảng 30 nghìn năm trước. Điều này có nghĩa là sao chổi phải chứa trữ lượng lớn vật chất.
Độ sáng tối đa của C/2023 A3 trên bầu trời có thể đạt 0 độ sáng sao, có nghĩa là nó sẽ sáng hơn 6 lần so với sao chổi nổi tiếng NEOWISE, được quan sát thấy vào mùa hè năm 2020 và sáng hơn gấp 100 lần so với sao chổi ZTF gần đây. Nơi tốt nhất để quan sát C/2023 A3 là ở Bắc bán cầu.
Trong khi C/2022 E3 có cấp sáng +4,6 (rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường, nhất là ở những nơi ô nhiễm ánh sáng) thì C/2023 A3 có cấp sáng +0,7, và thậm chí khi sáng nhất có thể là -5 (tức là tương đương với thời điểm sáng nhất của sao Kim - thiên thể sáng nhất trên bầu trời đêm nếu không tính mặt trăng).
Hiện có rất nhiều thông tin chưa được biết về thiên thể này, bao gồm cả kích thước của nó. Vì vậy khả năng sống sót của nó khi tới đủ gần để quan sát vẫn còn là vấn đề được quan tâm. Nhưng nếu nó thực sự sống sót và không mất đáng kể khối lượng của mình, nó sẽ là một điểm sáng đặc biệt đáng chú ý vào mùa thu năm sau.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản Tin Y Tế 8/3: “Bông Hồng Thép” Trong Phẫu Thuật Sọ Não