Sang tháng 11, không khí lạnh tiếp tục gia tăng, miền Trung mưa lũ phức tạp

21-10-2023 07:22 | Xã hội

SKĐS - Dù nhiệt độ cả tháng dự báo cao hơn trung bình nhiều năm song không khí lạnh sẽ gia tăng về tần suất và cường độ, mưa lũ ở miền Trung diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Không khí lạnh bao phủ miền Bắc, nhiệt giảm mạnhKhông khí lạnh bao phủ miền Bắc, nhiệt giảm mạnh

SKĐS - Hôm nay (21/10), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp miền Bắc, nền nhiệt giảm sâu, vùng núi có nơi nhiệt dưới 13 độ C, trời rét buốt.

Không khí lạnh gia tăng về tần suất và cường độ

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng Phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 20/11, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn từ 0,5- 1,5 độ C so với trung bình nhiều năm, riêng khu vực Nam Bộ ở ngưỡng xấp xỉ trung bình nhiều năm. 

Thời kỳ này, tổng lượng mưa trên khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (cao hơn từ 20-30%); Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm (cao hơn từ 5-15%); khu vực từ Hà Tĩnh-Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ở ngưỡng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; riêng một số nơi ở Trung Trung Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (thấp hơn từ 20-30%).

Sang tháng 11, không khí lạnh tiếp tục gia tăng, miền Trung mưa lũ phức tạp - Ảnh 2.

Tháng 11, không khí lạnh sẽ gia tăng về tần suất và cường độ.

Từ nay đến 20/11 có khả năng xuất hiện khoảng từ 01- 02 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Không khí lạnh tiếp tục có xu hướng hoạt động gia tăng dần về tần suất và cường độ. Các đợt mưa vừa, mưa to tiếp tục có khả năng xảy ra và tập trung tại khu vực Trung Bộ; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn có nhiều ngày mưa rào và dông, trong đó cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Nhận định về mùa Đông năm 2023-2024, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, cho biết tháng 10, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 11-12/2023, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Thời kỳ đầu mùa Đông năm 2023-2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu. Rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn. Số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng ít hơn so với trung bình nhiều năm. Từ tháng 1-3/2024, số ngày rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm. Các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng không kéo dài.

"Ngoài ra, do sự chi phối của El Nino, nền nhiệt trong mùa đông năm nay có thể sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5 độ C và theo nhận định của chúng tôi sẽ ấm hơn so với trung bình nhiều năm," Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.

Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Nguyễn Văn Hưởng lưu ý các đợt không khí lạnh đầu mùa tuy không làm nền nhiệt giảm sâu nhưng thường gây ra mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc. Trong thời kỳ dự báo, bão/áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển, gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân. Thời kỳ này cũng là thời gian chính của mùa mưa tại khu vực Trung Bộ, do vậy các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của các hình thế thời tiết như KKL kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới và nhiễu động gió Đông trên cao sẽ còn xảy ra trên khu vực, cần đề phòng nguy cơ cao lũ quét và sạt lở đất đá trên khu vực. 

Lượng mưa trong tháng 10 nhiều nơi vượt giá trị lịch sử

Tổng kết tình hình thời tiết từ tháng 9 đến nay, cơ quan khí tượng cho biết thời kỳ này đã xuất hiện 1 áp thấp nhiệt đới và 2 cơn bão trên khu vực Biển Đông, đã xuất hiện 2 đợt nắng nóng tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. 

Các khu vực khác tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chỉ có nắng nóng cục bộ. Trong đó, đợt nắng nóng ngày 04-05/10, một số nơi đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử trong cùng thời kỳ. 

Ngoài ra, một số nơi tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, mặc dù nhiệt độ chưa đạt ngưỡng nắng nóng, tuy nhiên một số nơi có nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ quan trắc được.

Từ ngày 11/9-10/10, xuất hiện 1 đợt không khí lạnh, tại Vịnh Bắc Bộ đã quan trắc được gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong thời kỳ từ ngày 21/9-20/10/2023, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 1,0-2,0 độ C so với trung bình nhiều năm, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Giai đoạn này đã xuất hiện nhiều ngày mưa diện rộng, từ ngày 25-29/9, mưa tập trung tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; từ ngày 30/9-03/10 tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa và dông do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam; từ ngày 07-18/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông và dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp trên Biển Đông sau mạnh lên thành cơn bão số 5 vào ngày 18/10 nên có mưa vừa, mưa to đến rất to, có nơi có mưa đặc biệt to; riêng tại Đà Nẵng đã ghi nhận được mưa ngày lớn nhất vượt GTLS. Trong thời kỳ từ ngày 21/9-20/10/2023 cũng có một số nơi có giá trị mưa ngày vượt giá trị lịch sử.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, tổng lượng mưa từ ngày 21/9-20/10/2023 tại Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, miền Tây Nam Bộ phổ biến cao hơn 50-80%, riêng Nghệ An và Đà Nẵng cao hơn 120% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong khi đó, tổng lượng mưa ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Bắc Bộ thấp hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.


Tô Hội
Ý kiến của bạn