Hà Nội

Sáng tạo đồ bảo hộ có thể hút khí từ bên ngoài vào giúp hạ nhiệt cho y bác sĩ

01-06-2021 21:31 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - TS. Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y tế cho biết đã có giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế khi chống dịch phải mặc bộ đồ bảo hộ.

Theo đó, trang phục bảo hộ này sẽ được thiết kế 2 quạt hút gió và lọc không khí đẩy vào phía trong.

"Ở đây chúng tôi sử dụng 2 quạt đủ để làm mát toàn bộ cơ thể, ở dưới là cục pin có thể chạy được 10 tiếng giúp cho các nhân viên y tế giải quyết vấn đề nóng khi mặc đồ bảo hộ. Chúng ta có thể tăng giảm tốc độ, vì khi nghỉ ngơi có thể dùng quạt tốc độ nhẹ hơn" - TS. Hải thông tin.

Với giải pháp này, các chuyên gia hi vọng sẽ có một giải pháp tốt nhất trong thời điểm hiện tại cho toàn bộ nhân viên y tế mà phải làm công tác chống dịch trong thời tiết nắng nóng như hiện nay.

Chuyên gia Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cũng cho biết thêm, việc mang trang phục bảo hộ là bắt buộc để người tham gia chống dịch tránh bị lây nhiễm. Để tránh được lây nhiễm, trang phục may liền bằng chất liệu chống thấm nước, thêm khẩu trang, mũ, găng, ủng, làm tăng nhiệt độ bên trong, khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở.

Do bộ đồ này rất bí nên chúng ta không giải quyết được việc bị nóng, mà chỉ có tạo ra không khí đối lưu.

Dự kiến, sản phẩm này sẽ mang lên Bắc Giang để dùng cho nhân viên y tế tuyến đầu, và rất nhanh sẽ phổ biến cho tất cả các nhân viên y tế.

Hình ảnh bộ đồ bảo hộ chống dịch được thiết kế sáng tạo.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, Bộ Y tế đã giao các đơn vị liên quan nghiên cứu và cho thử nghiệm trang phục bảo hộ có khả năng hút khí từ bên ngoài vào giúp giảm nhiệt cơ thể, nếu thành công sẽ cho triển khai nhân rộng trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế ở các điểm nóng của dịch, các chuyên gia cho rằng người trực tiếp tại tâm dịch không nên làm việc trong điều kiện phải mang bảo hộ kín liên tục nhiều giờ mà cần được thay ca sau 2-3 tiếng, tránh để kiệt sức.

Ngoài ra, cần chia nhỏ ca làm việc và có giải pháp hỗ trợ cho người mang bảo hộ bớt bị "hấp nhiệt" trong trang phục bí, nóng.


Dương Hải
Ý kiến của bạn