Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo về ngày làm thủ tục dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tổng số thí sinh đã đến làm thủ tục dự thi là 989.863 thí sinh, đạt tỷ lệ 98,75% so với số đăng ký dự thi. Trong đó, có 38 thí sinh thuộc diện F0.
Cũng theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT tối 6/7, toàn quốc có 63 Hội đồng thi gồm 2.243 điểm thi, 42.293 phòng thi. Các Hội đồng thi đã thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ thí sinh làm thủ tục dự thi thuận lợi; phổ biến Quy chế thi, nội quy phòng thi đầy đủ; hướng dẫn thí sinh sửa chữa các sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, tạo tâm lý tốt để thí sinh an tâm, sẵn sàng tham gia kỳ thi.
Các thí sinh diện F0 dự thi được các điểm thi bố trí thi tại phòng riêng biệt. Công tác coi thi tại các phòng này cũng sẽ được triển khai theo đúng Quy chế cùng với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho cán bộ coi thi và thí sinh.
Các Hội đồng thi trên toàn quốc đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với thực tế của địa phương; đồng thời có các phương án dự phòng ứng phó với các tình huống bất thường, bảo đảm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc.
Để làm tốt bài thi môn Ngữ Văn, TS Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, trước hết, thí sinh cần cân đối thời gian làm bài phù hợp cho từng phần: Đọc – hiểu: 15 phút; Nghị luận xã hội: 20 phút; Nghị luận văn học: 80 phút. Các em nên có 5 phút cuối để kiểm tra lại toàn bộ bài làm, sửa chữa, bổ sung những chỗ còn thiếu hoặc sai sót.
"Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Học sinh cần đặc biệt chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn: Về nội dung, chỉ nghị luận một khía cạnh, một bình diện của vấn đề (nguyên nhân, ý nghĩa, hậu quả, giải pháp, bài học…); về hình thức, cần viết đúng cấu trúc đoạn, viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài…".
Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, TS. Trịnh Thu Tuyết cho rằng đây là dạng bài đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Do đó, các em cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh. Các em cần phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài. Nếu đoạn văn nghị luận xã hội cần sự thể hiện cái tôi bản lĩnh, trung thực thì bài Nghị luận văn học rất cần khả năng cảm nhận tinh tế, sự phân tích sâu sắc và tình cảm chân thành.