Hàng loạt điểm đo ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Lúc 8h sáng nay, các ứng dụng đo chất lượng không khí đều đưa ra cảnh báo Hà Nội ô nhiễm nặng nề. Tại bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới trên ứng dụng AirVisual, Hà Nội có chỉ số AQI 218, xếp thứ 3 sau Lahore của Pakixtan và Delhi của Ấn Độ.
Hàng loạt các điểm đo ở TP Hà Nội, chỉ số ô nhiễm không khí có mức màu đỏ hoặc màu tím. Đáng nói, rất nhiều điểm đo có chỉ số AQI trên 200 như ở Cổ Nhuế, Đông Ngạc, Nhật Tân, Yên Phụ, Phú Thượng, Ba Đình, Ngọc Thụy... Các điểm đo khác, chất lượng không khí cũng rất xấu. Không xuất hiện điểm nào có chất lượng không khí đạt chuẩn ở mức hiển thị màu xanh.
Tương tự, trên ứng dụng cảnh báo chất lượng không khí PamAir, lúc 8h20 phút sáng ngày 9/11, Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất là ở điểm đo phố Ngọc Hà với chỉ số AQI lên đến 257, Xuân Phương 253, điểm đo tại Trường Đại học Luật Hà Nội có chỉ số AQI 207, Kim Mã 198, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có chỉ số AQO là 189...
Tại Cổng thông tin Quan trắc môi trường của UBND TP Hà Nội, chỉ số chất lượng không không khí của thành phố ở mức kém khi AQI trung bình là 114, độ ẩm 63%, nhiệt độ 22,7 độ C. Đáng nói, các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Giang, Bắc Ninh cũng có chỉ số không khí rất xấu, nhiều khu vực ô nhiễm.
Tại cổng thông tin quan trắc môi trường, Hà Nội đưa ra cảnh báo, nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng tới sức khỏe, hạn chế hoạt động ngoài trời. Những người thấy có triệu chứng đau mắt, ho hoặc đau họng… nên cân nhắc giảm các hoạt động ngoài trời. Đối với học sinh, có thể hoạt động bên ngoài, nhưng nên giảm bớt việc tập thể dục kéo dài.
Nhóm người nhạy cảm nên giảm các hoạt động mạnh và giảm thời gian hoạt động ngoài trời. Những người mắc bệnh hen suyễn có thể cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội diễn biến xấu do tập trung nhiều hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp. Các hoạt động này chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng thời tiết giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm, độ ẩm, hướng và tốc độ gió làm hạn chế khả năng khuếch tán chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.
Hà Nội có 30% số ngày ô nhiễm không khí trong năm
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau thường xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí.
Các kết quả quan trắc gần đây cho thấy số ngày chỉ số chất lượng không khí (VN-AQI) ở mức kém và xấu chiếm hơn 30% số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông-vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%), nguồn sản xuất công nghiệp từ 14-23%, còn lại từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Dựa trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và moitruongthudo.vn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Thủ đô đang bước vào mùa ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí đo được từ các trạm quan trắc nhiều nơi ở ngưỡng kém và xấu.
Đáng chú ý, trong tháng 10, ở Hà Nội xảy ra 4 đợt ô nhiễm không khí, thường từ 7-11 giờ, bầu trời sương mù dày đặc, mờ đục bởi bụi mịn. Chất lượng không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn tại một số quận, huyện có mật độ giao thông cao như Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Đống Đa… Chỉ số chất lượng không khí đo được dao động trong khoảng 101-177; chỉ số bụi mịn PM2.5 tăng gấp hàng chục lần so với quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Những ngày đầu tháng 11, Hà Nội lại chìm trong sương mù dày đặc, che phủ các tòa nhà cao tầng và làm giảm tầm nhìn.
Chuyên gia môi trường khuyến cáo vào những ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (từ 150-200), nhóm người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà, chạy máy lọc không khí. Nhóm người nhạy cảm có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn, nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh. Nếu người dân cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần triển khai đồng bộ giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, trong đó cần chú trọng triển khai đề án giao thông thông minh; sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách tiếp tục trợ giá đối với vận tải hành khách công cộng. Đồng thời hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, phát triển thêm hệ thống tàu điện trên cao, vừa giúp giảm lượng khí thải, vừa cải thiện chất lượng không khí…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bão số 7 Yinxing giật cấp 17 vào Biển Đông, khả năng hướng về Nam Trung Bộ | SKĐS