Dự báo, sáng 4/7 bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 4-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ vĩ Bắc-106 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ.
Do ảnh hưởng của bão số 2 đổ bộ nên ở Cát Hải và Hòn Dáu (Hải Phòng) đã quan trắc được gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to.
Hồi 5 giờ ngày 4/7, vị trí tâm bão số 2 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh Hải Phòng-Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 2 mạnh cấp 8 (50-75 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm bão.
Trong 24 giờ tới, bão số 2 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ.
Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) trong sáng sớm nay 4-7 còn có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Đường đi và vị trí hiện tại của bão số 2. |
Tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to vào đêm 3/7, từ 4/7 mưa sẽ giảm nhanh. Riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm 4/7, mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ đêm 3/7 đến sáng 5/7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ). Hà Nội cũng sẽ có mưa rất to vào ngày 4/7.
Nhận định bão số 2 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện ven biển, ngày 3/7, tỉnh Nam Định đã tập trung mọi phương án chủ động ứng phó với bão số 2 và thực hiện cấm biển từ 12 giờ ngày 3/7, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Trước 15 giờ ngày 3/7, các địa phương đã hoàn thành việc kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 16 giờ chiều 3/7, vì đây được dự báo là nơi tâm bão đi qua.
Để chuẩn bị cho công tác phòng, chống bão số 2, Tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các cấp sở ngành từ tỉnh đến cơ sở phải dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão.
Cụ thể, chiều 3/7, Quảng Ninh phát công điện khẩn gửi các sở ban ngành cùng chủ tịch các thành phố, huyện thị về việc chủ động phòng, chống cơn bão số 2. Văn bản yêu cầu các địa phương phải chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước, trong và sau bão.
Đối với những điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, địa phương cần đặc biệt lưu ý công tác di dời dân đến nơi an toàn. Cử người trực 24/24 những ngầm, tràn giao thông, kiên quyết không cho phương tiện và người qua lại khi xuất hiện lũ. Huy động tổng lực phương tiện, con người để phục vụ công tác phòng, chống bão.
Rà soát số lượng khách du lịch trên biển, đảo, lên phương án di dời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách khi có yêu cầu. Kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn, yêu cầu người dân sinh sống tại các lồng bè thủy sản lên bờ để đảm bảo an toàn tính mạng.
UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc phải có phương án bảo đảm an toàn đối với các hầm lò, khai trường khai thác than, bãi thải, khu vực có nguy cơ sạt lở.
Cũng trong chiều 3/7, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cũng yêu cầu các cấp sở, ngành từ tỉnh đến cơ sở phải dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão.
Hiện nay, Quảng Ninh có 8.460 tàu thuyền đăng ký hoạt động, trong đó có 258 tàu đánh bắt xa bờ. Tính đến 17h ngày 3/7, toàn bộ số tàu xa bờ đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của bão và đã di chuyển về đỗ tại các khu neo đậu, tránh trú an toàn.
Đối với tàu thuyền gần bờ (8.202 chiếc) cũng đã nhận được thông tin về tình hình cơn bão số 2. Hiện tại các tàu, thuyền đã về neo đậu tại bến cá, khu nuôi thủy sản trên biển, bến sông, khu tránh trú bão của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và bến Cát Bà, Đồ Sơn (TP Hải Phòng).
Trước đó, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, quyết định sẽ tạm dừng cấp phép đối với tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo từ 11h, riêng tàu ra đảo Cô Tô đã tạm dừng cấp phép từ 6h, ngày 3/7.