Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành

01-12-2024 19:03 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày 1/12, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, chuỗi chương trình "Sống khỏe mỗi ngày - Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn" sẽ tiến hành sàng lọc vi khuẩn H.Pylori dạ dày và các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng cho khoảng 11.000 người dân tại 6 tỉnh, thành phố.

Trong 2 tuần vừa qua, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã triển khai 4 chương trình "Ngày hội Sống khỏe mỗi ngày" tại 4 tỉnh, thành phố (gồm: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Đà Nẵng), khám, sàng lọc bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho gần 5.000 người dân.

Chương trình có sự tham gia của gần 300 y bác sĩ cùng nhiều trang thiết bị máy móc như: xe X-quang lưu động trang bị trí tuệ nhân tạo, máy siêu âm, điện tim, máy đo loãng xương và nhiều thiết bị xét nghiệm máu lưu động cùng phần mềm quản lý sức khỏe cho y bác sĩ và người dân, hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, cán bộ nhân viên đã tham gia tình nguyện, hỗ trợ triển khai chương trình.

Đối tượng tham gia khám là người trưởng thành độ tuổi từ 18 – 72, ưu tiên người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người có tiền sử gia đình về bệnh không lây nhiễm và có dấu hiệu bệnh dạ dày, tiêu hóa.

Phát hiện gần 1.000 trường hợp dương tính với H.Pylori

Theo Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.Pylori) là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm H.Pylori rất cao, trong các nghiên cứu trước đây tại TPHCM, ước tính khoảng 70% dân số trưởng thành bị nhiễm. Mặc dù phần lớn người nhiễm H.Pylori không có triệu chứng rõ ràng, nhưng khoảng 10-20% trong số họ có nguy cơ phát triển loét dạ dày - tá tràng và 1-2% có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.

Thêm vào đó, tình trạng kháng kháng sinh của H.Pylori tại Việt Nam đang ở mức cao, gây khó khăn trong việc điều trị hiệu quả. Ngoài ra, tỷ lệ tái nhiễm H.Pylori sau điều trị cũng đáng lo ngại. Một nghiên cứu năm 2005 cho thấy, trung bình sau 11 tháng điều trị, tỷ lệ tái xuất hiện H.Pylori là 23,5%.

Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 1.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 2.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 3.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 4.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 5.

Các bác sĩ tư vấn sức khỏe, khám sàng lọc bệnh cho người dân.

Ngoài ra, chuỗi chương trình "Sống khỏe mỗi ngày 2024" cũng tập trung tầm soát các bệnh mạn tính. Đối với đối tượng có nghi ngờ ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày, người bệnh được cấp phiếu của Ban tổ chức để tiếp tục kiểm tra bằng chụp cắt lớp vi tính, chụp X-quang mamo hoặc nội soi dạ dày phát hiện ung thư tại các cơ sở y tế phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.

"Qua thăm khám, các bác sĩ đã phát hiện 973 trường hợp dương tính với H.Pylori qua test nhanh (20,3%) và xác nhận lại bằng test thở tại cơ sở y tế. 721 người khám có dấu hiệu rối loạn đường huyết lúc đói (15%); 963 người đo huyết áp bất thường được kiểm tra lại với điện tâm đồ (20%); 1.585 người rối loạn mỡ máu (33%) và 111 rối loạn acid uric (0.2%)" – Dược sĩ Nguyễn Hữu Tú thông tin.

Các bác sĩ đánh giá, tỉ lệ người dương tính với H.Pylori thấp hơn nhiều so với các nghiên cứu trước đây, nguyên nhân có thể do đối tượng sàng lọc không chọn lọc, là người trưởng thành, sinh hoạt trên địa bàn thành phố và không tính yếu tố dấu hiệu bệnh ban đầu. Cũng có thể cho thấy việc kiểm soát H.Pylori và các bệnh tiêu hóa ở các Thành phố là tốt.

Trong khuôn khổ chương trình, người tham gia được khám nội tổng quát, khám tim mạch, tiểu đường, hô hấp, tai mũi họng, khám chuyên khoa, siêu âm, đo điện tim, chụp X-quang phổi thẳng, đo loãng xương, xét nghiệm đường máu, mỡ máu, tầm soát ung thư vú, tầm soát ung thư phổi, xét nghiệm H.Pylori qua máu và tầm soát ung thư dạ dày, kê đơn phát thuốc miễn phí theo đơn.

Người dân đã nhận được những lời khuyên thiết thực về cách chăm sóc sức khỏe, chế độ ăn uống, và lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh lý nghiêm trọng, phổ biến về việc cấm tuyệt đối thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 6.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 7.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 8.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 9.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 10.
Sàng lọc vi khuẩn HP và các bệnh không lây nhiễm cho gần 11.000 người ở 6 tỉnh, thành- Ảnh 11.

Ngoài khám bệnh, Ban Tổ chức trao tặng 20 phần quà các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và gia đình chính sách, 20 phần quà cho các thiếu nhi vượt khó, giúp các em có thêm niềm vui và động lực trong học tập.

Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại

Theo ông Tú, việc tổ chức các chương trình tầm soát và chăm sóc sức khỏe cộng đồng không chỉ giúp phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm mà còn tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng. Đây là một hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố đồng thời lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong cộng đồng cũng như cung cấp thông tin quan trọng về cơ cấu bệnh tật tại Việt Nam.

Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng đã trao tặng thiết bị khám chữa bệnh công nghệ cao cho bệnh viện Thường Xuân – Thanh Hóa 01 bơm điện động và hệ thống AI đọc X-quang phổi phát hiện bệnh lao và ung thư phổi. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ngành y tế đối với sức khỏe cộng đồng. Những thiết bị này không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ y bác sĩ mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại.

TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: "Sức khỏe không chỉ là vốn quý của mỗi cá nhân mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của cả cộng đồng và xã hội. Trong những năm qua, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường hay các bệnh lý liên quan đến dạ dày do vi khuẩn H.Pylori đã trở thành gánh nặng lớn cho y tế toàn cầu và Việt Nam. Việc phát hiện sớm và nâng cao ý thức phòng ngừa các căn bệnh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính vì thế, chương trình "Sống khỏe mỗi ngày" là một minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của chúng ta đối với sức khỏe cộng đồng, là hành động thiết thực để góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi người dân".

Chương trình sẽ tiếp tục với 2 hoạt động lớn vào ngày 8/12 tại Hà Nội và ngày 15/12 tại TPHCM. Người dân có thể đăng ký qua văn phòng Hội liên hiệp thanh niên Thành phố hoặc qua website: http://phoikhoe.net

Chuyển đổi số trong y tế cộng đồng giúp hơn 1 triệu lượt người được sàng lọc bệnh miễn phíChuyển đổi số trong y tế cộng đồng giúp hơn 1 triệu lượt người được sàng lọc bệnh miễn phí

SKĐS - Đã có hơn 1 triệu lượt người được sàng lọc bệnh miễn phí qua nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai.


Dương Hải
Ý kiến của bạn