Nhiễm virút HPV (Human Papilloma virus - gọi tắt là HPV) là “thủ phạm” chính gây nên hơn 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung (UTCTC). Xét nghiệm cobas® HPV giúp phát hiện hai chủng nguy cơ cao nhất gây ra 70% các trường hợp UTCTC là chủng HPV 16 và HPV 18, đang được đưa vào áp dụng tại các bệnh viện phụ sản lớn trên toàn quốc.
HPV và ung thư cổ tử cung
UTCTC hiện đang là một trong những gánh nặng y tế, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho phụ nữ Việt Nam với hơn 5.000 ca mắc mới mỗi năm.
Đây là một trong năm bệnh ung thư của phụ nữ phổ biến nhất tại Việt Nam do bị nhiễm HPV dai dẳng. Có tới hơn 100 chủng HPV khác nhau và đa phần các chủng HPV được xem là “nguy cơ thấp” bởi vì chúng hiếm khi dẫn đến UTCTC. Tuy nhiên, có 14 chủng HPV được đánh giá là “nguy cơ cao” vì chúng được biết đến như nguyên nhân chủ yếu gây nên phần lớn các trường hợp UTCTC. Riêng hai chủng HPV nguy cơ cao nhất là chủng: HPV 16 và HPV 18 là nguyên nhân gây ra đến 70% các trường hợp UTCTC. Một phụ nữ nhiễm HPV 16 và HPV 18 có khả năng phát triển tiền UTCTC cao hơn 35 lần so với phụ nữ không có HPV.
Tại Hội thảo Khoa học chuyên đề Sàng lọc UTCTC và tầm quan trọng của xét nghiệm HPV vừa diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM do Roche Diagnostics Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Văn Trương, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, chia sẻ: “Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV không có triệu chứng và sẽ tự khỏi nhờ hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, khi xuất hiện triệu chứng thì ung thư đã chuyển sang giai đoạn xâm lấn và rất khó điều trị”. Tuy nhiên, đây là một trong những căn bệnh có thể ngăn ngừa được nếu phát hiện sớm. Và dự phòng UTCTC được xem là biện pháp hữu hiệu trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.
Bộ đôi xét nghiệm pap và cobas® hpv
Các chuyên gia cho biết UTCTC có thể phòng ngừa được. Một trong những cách phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này là phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư trước khi chúng phát triển thành ung thư bằng các xét nghiệm sàng lọc. Trước đây, xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) được xem là phương pháp “kinh điển” và có vị trí “chủ lực” trong trong tầm soát UTCTC. Kỹ thuật này tương đối hiệu quả và rẻ tiền, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
“Hiện nay, chúng tôi đã có xét nghiệm HPV rất đáng tin cậy giúp bác sĩ nhận ra các chị em phụ nữ có nguy cơ bị UTCTC hay không, điều đó giúp đưa ra các định hướng xử trí kịp thời. Việc bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân về tầm quan trọng của xét nghiệm HPV nguy cơ cao là rất cần thiết”, ông Nguyễn Văn Trương cho biết thêm.
Theo phân tích của PGS.TS.Nguyễn Quốc Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phụ sản TW: Xét nghiệm HPV có vai trò nổi trội hơn vì giúp giảm tỉ lệ UTCTC tiến triển và kéo dài thời gian sống thêm trên 8 năm, trong khi xét nghiệm Pap đơn thuần thì không. Xét nghiệm HPV giúp giảm 50% số tử vong vì UTCTC so với không sàng lọc. So sánh với các phương pháp khác thì xét nghiệm HPV có độ nhạy cao nhất (90 - 95%). Ngoài ra, xét nghiệm HPV có tính khách quan, giảm tỷ lệ soi cổ tử cung; xác định 14 chủng HPV nguy cơ cao, đặc biệt là chủng HPV 16 và 18, chiếm 70% nguyên nhân gây ra UTCTC. Trong khi đó, giới hạn của Pap là độ khách quan không cao mà phụ thuộc nhiều vào người đọc. Do đó, vẫn có khoảng 33% UTCTC xảy ra ở những phụ nữ có kết quả xét nghiệm Pap bình thường.
Bên cạnh đó, xét nghiệm HPV giúp phát hiện nguy cơ dẫn đến tiền ung thư ngay cả trước khi có những biến đổi xảy ra tại các tế bào cổ tử cung. Hơn một nửa số UTCTC đã không được sàng lọc trong 5 năm trước đó. Đây cũng là giai đoạn phát triển tiền ung thư hay còn gọi là CIN (5 - 8 năm). Việc sàng lọc sớm để phát hiện và điều trị CIN có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Do đó, bên cạnh xét nghiệm Pap truyền thống đang được áp dụng từ độ tuổi 21, thì phụ nữ từ 30 trở lên được khuyên nên làm cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc nhiễm UTCTC.
Vy Oanh