Không nên chủ quan
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là 1,73%. Như vậy, mỗi năm thế giới có khoảng 8 triệu trẻ chào đời với một dị tật bẩm sinh. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó có từ 2 đến 3% bị bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh như: Mắc bệnh Down (chậm phát triển trí tuệ), hội chứng Ewards (dị tật do thừa nhiễm sắc thể), dị tật ống thần kinh, thiếu men G6PD (trẻ không đủ men này các tế bào hồng cầu khó hoạt động bình thường), tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; bị Thalassemia (tan máu bẩm sinh)... Tuy nhiên, khi mang thai, nhiều bà mẹ vẫn chủ quan bỏ qua việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để rồi hối hận khi không may gặp phải hậu quả đau lòng.
Còn vợ chồng chị Trần Thu T. (29 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) như đứt từng khúc ruột khi quyết định bỏ đi đứa con đầu lòng. Chị T. chia sẻ: Khi mang thai ở tuần 16, thấy con cử động nhẹ trong bụng, tôi thực sự hạnh phúc. Thế nhưng, tin dữ ập tới chỉ ít ngày sau đó khi tôi đi kiểm tra thai kỳ và thực hiện sàng lọc trước sinh thì bác sĩ thông báo, thai nhi bị mất một cánh tay và còn mắc thêm bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh)…
Cách đây 5 năm, khi mang thai đứa con đầu lòng, chị Đặng Thùy L. (31 tuổi ở phố Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ đi siêu âm thai nhi một lần chủ yếu để xác định giới tính. Chị L. cho biết, khi đó thấy cả hai vợ chồng khỏe mạnh, gia đình nội, ngoại không ai mắc bệnh nên suốt quá trình mang thai đã chủ quan, không tuân thủ thực hiện kỹ thuật sàng lọc trước sinh. May mắn đã không mỉm cười với hai vợ chồng khi đứa con sinh ra bị chậm phát triển trí tuệ.
Theo bác sĩ Tô Kim Hoa, chuyên gia trong lĩnh vực sàng lọc phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ở trẻ, các kết quả nghiên cứu cho thấy, tình trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh thường bắt nguồn từ các nguyên nhân chủ yếu như: Sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gen, rối loạn chuyển hóa…). Trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc môi trường độc hại (như: Hóa chất, không khí, đất, nước…), hoặc uống thuốc trong ba tháng đầu của thai kỳ, thậm chí mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai (như: Giang mai, rubella, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục…). Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh là để phát hiện, can thiệp sớm nhằm hạn chế các tật, bệnh.
Tăng cơ hội tiếp cận
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của TP Hà Nội bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 77,4%, qua đó siêu âm hội chẩn: 944 trường hợp, đình chỉ thai nghén: 210 ca thai nghén bệnh lý và khuyết tật. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 84,34%, trong đó phát hiện 550 ca nghi ngờ thiếu men G6PD, 24 ca suy giáp trạng bẩm sinh… “Việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình mà chính là bước đi lâu dài của ngành Dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi”, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.
Hiện trên cả nước có 5 trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh tại các bệnh viện, gồm: Phụ sản trung ương, Phụ sản Hà Nội, Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, Nhi trung ương. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, ở Việt Nam mới áp dụng việc miễn phí thực hiện hai xét nghiệm sàng lọc trước sinh gồm: Siêu âm để phát hiện bất thường hình thái thai nhi; xét nghiệm máu mẹ và xét nghiệm sàng lọc sơ sinh đối với hai bệnh thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh cho một số nhóm đối tượng như người nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Còn lại, đa phần, nguồn chi phí cho các loại xét nghiệm sàng lọc đều do người dân tự chi trả (chiếm khoảng 90%).
Trong thời gian tới, ngành Dân số sẽ thúc đẩy việc đưa chương trình sàng lọc này vào phạm vi thanh toán của bảo hiểm y tế. Mặt khác, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh sẽ tiến tới mở rộng phạm vi các loại bệnh được đưa vào danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế để tăng cơ hội tiếp cận cho người dân.
Trong quá trình thăm khám, các chuyên gia cho rằng, nếu chẩn đoán sai, không phát hiện ra dị tật hay bệnh ở thai nhi sẽ để lại nhiều hệ lụy. Vì vậy, người dân khi xét nghiệm sàng lọc phải đến các cơ sở uy tín, chất lượng.