50% người nhiễm HIV có nguy cơ đồng nhiễm lao
Năm 2023, theo Báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, đã phát hiện 106.086 ca mắc bệnh lao các thể. Con số này thể hiện tăng 2.282 ca (2,2%) so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021. Số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam vào khoảng 60%. Như vậy sẽ có khoảng 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Cũng trong năm này, phát hiện các trường hợp lao đa kháng thuốc cũng tăng lên 3.775 ca, cao hơn các năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Lao đa kháng thuốc chiếm khoảng 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm. Các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống bệnh lao hiện vẫn bị chậm tiến độ.
Đối với người nhiễm HIV, khả năng mắc bệnh lao lên tới 50%, cao hơn từ 10 đến 30 lần so người không nhiễm. Chính vì vậy, cần phối hợp giữa công tác phòng chống lao và HIV để góp phần phát hiện sớm bệnh nhân đồng nhiễm HIV/lao để điều trị, tránh lây lan, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV.
Cắt đứt nguồn lây nhiễm lao để bảo vệ cộng đồng
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Theo Chương trình chống lao quốc gia, muốn đạt được mục tiêu này, cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có.
Đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội. Đồng thời, cần mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc điều trị mới, vaccine mới, các tiếp cận và can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây. Hơn nữa, cần điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.
Đối với người nhiễm HIV/AIDS, để góp phần giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng do đồng nhiễm lao thì càng phải đẩy mạnh các hoạt động sàng lọc nhằm phát hiện sớm, dự phòng và điều trị hiệu quả bệnh lao cho các đối tượng này.
Theo BS.CKI. Nguyễn Văn Khiêm, Trưởng khoa Nội II, Bệnh viện Phổi Hà Nội, với đặc thù của bệnh nhân HIV là suy giảm hệ miễn dịch, nên nguy cơ mắc bệnh lao càng cao. Hơn nữa, nếu người bệnh đồng nhiễm lao/HIV mà không được phát hiện sớm và điều trị, tình trạng bệnh sẽ tiến triển theo chiều hướng xấu rất nhanh và dễ dẫn đến tử vong.
Để kịp thời phát hiện, điều trị lao cho người bị nhiễm HIV, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao, HIV và cùng chung tay xóa bỏ các rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám để được điều trị.
Theo đó, hằng năm, người nhiễm HIV cần chủ động định kỳ đi khám tầm soát sàng lọc bệnh lao và chủ động phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Qua đó giúp phát hiện sớm thì người bệnh được điều trị hiệu quả, giảm thiểu lây lan, giảm tử vong và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV.
Tuy nhiên, trên thực tế, người nhiễm HIV/AIDS đồng nhiễm lao thường đến bệnh viện khi bệnh đã chuyển biến nặng, sức khỏe yếu, kinh tế khó khăn, gia đình ít quan tâm chăm sóc. Một số trường hợp không tuân thủ phác đồ điều trị, nên phải kéo dài thời gian điều trị, có trường hợp dẫn đến kháng thuốc, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm soát bệnh lao.
Mời độc giả xem thêm video:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm tuổi thanh thiếu niên.