Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh của Việt Nam cập nhật tiến bộ ngang tầm thế giới

15-08-2023 13:45 | Y tế

SKĐS - Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong siêu âm tim thai, phát hiện dị dạng thai rất sớm, từ lúc tuổi thai chỉ trong quý đầu hay từ 12- 14 tuần, cùng đó lĩnh vực sàng lọc trước sinh của Việt Nam cũng có nhiều thành tựu và đã được các chuyên gia trong nước 'khoe' với chuyên gia quốc tế.

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW khai trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống bên lề Hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp 2023 khai mạc sáng nay 15/8.

Nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, sàng lọc trước sinh tại Việt Nam

Theo PGS.TS Trần Danh Cường, ngay từ hơn chục năm trước, khi Trung tâm chấn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã được thành lập, từ đó hệ thống sàng lọc, chẩn đoán trước sinh ở đây nói riêng và của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, cập nhật những tiến bộ ngang tầm thế giới, chúng ta có nhiều chuyên gia giỏi, hệ thống trang thiết bị hiện đại để có thể triển khai nhiều kỹ thuật sâu.

"Không ít dị tật trước sinh trong đó có dị tật tim, dị tật về hình thái, chức năng, dị tật về di truyền cũng như các biến dạng của thai đã được thầy thuốc của Việt Nam phát hiện từ rất sớm trước sinh, nhờ đó bà mẹ mang thai, gia đình đã cùng bác sĩ có những kế hoạch chăm sóc thai kỳ phù hợp. Dị tật nào có thể phẫu thuật được, sửa chữa được, khôi phục được..."- PGS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh.

Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh của Việt Nam cập nhật tiến bộ ngang tầm thế giới - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Lĩnh vực sàng lọc, chẩn đoán trước sinh của Việt Nam cập nhật tiến bộ ngang tầm thế giới.

Chuyên gia cho biết, sàng lọc trước sinh và chẩn đoán trước sinh ở nước ta ban đầu rất đơn giản bằng các xét nghiệm huyết thanh của người mẹ, sau đó dựa vào tuổi của người mẹ, tuổi thai và một số chỉ tiêu khác để có thể đưa ra các nguy cơ. 

"Từ đó, lĩnh vực này ngày càng phát triển, đầu tiên là xét nghiệm 3 chất, 2 chất rồi thêm khoảng trắng sau gáy và gần đây là kỹ thuật mới- xác định ADN trong máu của người bệnh và từ thai nhi vào. Đây còn gọi là kỹ thuật sàng lọc không xâm lấn có độ chính xác cao, giảm tỷ lệ can thiệp xâm lấn cho thai nhi, tuy nhiên phương pháp hiện đại này cũng cần được thực hiện đúng chỉ định, không phải ai cũng sàng lọc- PGS.TS Trần Danh Cường nói.

Tránh những chỉ định 'hơi quá tay' trong sàng lọc trước sinh

Theo ông Cường sàng lọc trước sinh có ý nghĩa rất lớn bởi hiện chúng ta không đủ nguồn lực để làm chẩn đoán trước sinh cho tất cả các phụ nữ có thai, vì vậy cần phải sử dụng các biện pháp sàng lọc để xác định những nguy cơ của phụ nữ trong thai kỳ, đặc biệt là những bất thường về nhiễm sắc thể mà ở đây cần quan tâm nhất là hội chứng down - tức là hội chứng lệch bội nhiễm sắc thể 21. 

Những phương pháp sàng lọc hiện nay chủ yếu nhằm phát hiện ra những thai nhi có nguy cơ bị lệch bội nhiễm sắc thể 21 để tiến hành các biện pháp chẩn đoán như sinh thiết qua nhau thai, lấy nước ối bằng phương pháp dịch ối để làm xét nghiệm nhiễm sắc đồ, qua đó khẳng định chẩn đoán.

"Tất cả các phương pháp sàng lọc trước sinh hiện nay đều được triển khai khá đồng bộ trong hệ thống bệnh viện sản nhi"- ông Cường nói, đồng thời nhấn mạnh thêm có thể nói sàng lọc trước sinh có thể coi là 'lĩnh vực nóng'. Các kỹ thuật mới trong sàng lọc trước sinh được phát triển mạnh trong những năm gần đây nhờ phát triển của công nghệ, tuy nhiên những chỉ định có thể đâu đó 'hơi quá tay'. 

"Vì vậy cần phải có những diễn đàn khoa học để trao đổi và bàn thảo theo hướng phương pháp mới, kỹ thuật mới sẽ ứng dụng trong trường hợp nào, thời điểm nào là tốt nhất nhằm phát hiện tối đa những bất thường của thai nhi để có hướng xử trí phù hợp trong thai kỳ và sau sinh. Tại hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp lần này, chủ đề này sẽ được các chuyên gia bàn thảo sâu"- PGS.TS Trần Danh Cường nói.

Hội nghị Sản Phụ khoa Việt – Pháp lần thứ 23 được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp (12/4/1973-12/4/2023).

PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, những hội nghị được tổ chức trước đây chỉ có qui mô nhỏ, khoảng vài trăm đại biểu tham dự, các báo cáo khoa học chủ yếu đến từ các nhà khoa học Pháp. Càng ngày, hội nghị càng có quy mô lớn dần với hàng nghìn đại biểu và theo hình thức trao đổi khoa học chuyên ngành, chuyên sâu, những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được ứng dụng nhằm mục tiêu chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho bà mẹ và em bé.

Hội nghị Sản Phụ khoa Việt - Pháp không chỉ giới hạn giữa các nhà khoa học Việt Nam và Pháp mà còn có sự tham gia của nhiều nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia khác như Vương quốc Anh, Italia, Phần Lan, Úc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng kông.

Tại hội nghị, các chuyên gia có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về lâm sàng, cận lâm sàng cũng như cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực sản khoa, phụ khoa, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, y học thai nhi… và một số lĩnh vực chuyên ngành sâu khác. Hội nghị còn là dịp để Việt Nam nhìn nhận, xác định vị trí của mình trong khu vực và trên thế giới, để có định hướng phát triển trong thời gian tới.

Đồng thời là dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học; để lãnh đạo các cơ quan, bệnh viện chuyên khoa về sản nhi của các vùng, miền chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt, trong công tác quản lý, khám chữa bệnh, chăm sóc và phục vụ để nâng cao sức khỏe cho nhân dân, nhất là trong lĩnh vực Sản - Phụ khoa, sức khỏe sinh sản.

Hội nghị Sản Phụ khoa Việt – Pháp lần thứ 23 diễn ra trong 2 ngày 14-15/8 với 1 phiên toàn thể, 8 phiên chuyên đề. Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ trình bày 55 báo cáo khoa học, trong đó có 19 bài của các chuyên gia từ Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Singapore...

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định, đây là hội nghị hết sức quan trọng của ngành sản phụ khoa cũng như Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Với nhiều báo cáo hay được trình bày trong Hội nghị bởi các Giáo sư, chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ giúp ngành phụ sản nói riêng và ngành y tế nói chung có thêm nhiều năng lượng mới để tiếp tục phát triển, phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.

Từ hôm nay 15/8, giá giường bệnh theo yêu cầu từ 180.000 - 4.000.000 đồng/ngàyTừ hôm nay 15/8, giá giường bệnh theo yêu cầu từ 180.000 - 4.000.000 đồng/ngày

SKĐS - Từ hôm nay 15/8, tại các bệnh viện công, giá giường bệnh theo yêu cầu loại 1 giường/ phòng có giá tối thiểu là 180.000 đồng, giá tối đa là 4.000.000 đồng/ngày.


Thái Bình
Ý kiến của bạn