Sáng kiến trong cuộc chiến chống rác thải nhựa

25-11-2019 09:48 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngoài ô nhiễm không khí, nguồn nước thì ô nhiễm rác thải nhựa đang là “vấn nạn” chung của toàn nhân loại.

Để khắc phục vấn nạn này, các nhà khoa học đã vào cuộc và cho ra đời các sáng kiến mới, giúp môi trường trở nên trong sạch hơn.

Rác thải nhựa đang là mối hiểm họa của con người do có chứa hóa chất khó phân hủy. Hơn 40% lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày là sản phẩm nhựa dùng một lần. Điều này có nghĩa, trong hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm có quá nửa chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác tiện ích trong ít phút như cốc nhựa, ống hút, túi ni lông... sau đó trở thành rác thải lưu cữu trong môi trường và trở nên nguy hại. Trong 15 năm gần đây, lượng nhựa con người sản xuất ra tăng vọt, từ 2,3 triệu tấn năm 1950 lên 450 triệu tấn vào năm 2015, và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Trước sự kêu cứu của trái đất về vấn nạn rác thải nhựa các nhà khoa học đã ra đời nhiều sáng kiến:

Ống hút và ly tách ăn được

Dự án sản xuất ống hút và ly tách ăn được, sản phẩm của cặp đôi Chelsea Briganti và Leigh Ann Tucker người Mỹ hiện đang công tác tại hãng Loliware do chính hai người sáng lập ra. Theo thống kê, trên khắp nước Mỹ, mỗi ngày có khoảng 500 triệu ống hút nhựa được sử dụng và loại bỏ mỗi ngày, đủ để chứa đầy 125 xe buýt. Phần lớn được làm từ polypropylen, sản phẩm phụ của dầu mỏ, có thể tái chế nên nguy cơ ô nhiễm rất cao. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm và tiết kiệm chi phí, Briganti và Tucker đã nghĩ ra một giải pháp mới, cho ra đời ống hút ăn được có tên Lolistraw. Thành phần chính là rong biển, bổ sung hương vị và chất dinh dưỡng. Vật liệu cũng có thể được chế tạo thành cốc và nắp đậy, tất cả đều có thể ăn được sau khi uống xong.

Theo Briganti, cốc hoặc ống hút của Loliware có thể tan ngay trong dòng nước vì chúng có tính hòa tan, còn trong môi trường tự nhiên sẽ biến mất sau 60 ngày, trong khi đó PLA cũng có thể phân hủy sinh học nhưng mất nhiều thời gian hơn (nếu nằm trong bãi rác dù bất cứ đâu cũng phải mất 100 - 1.000 năm), chưa kể phải phân loại khi chế biến dùng lại để hạn chế ô nhiễm ngấm vào nguồn nước.

Loliware hiện đang thảo luận với các chuỗi kinh doanh trong lĩnh vực cà phê và thức ăn nhanh, cũng như các chuỗi cao cấp khác về việc sử dụng cốc, nắp và ống hút của họ. Theo Tucker, chỉ cần cung cấp hay thay thế 10% số ống hút bằng nhựa hiện có sẽ làm thay đổi môi trường, thay đổi doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn người dùng đều được lợi. Briganti và Tucker tự tin các sản phẩm của mình sẽ tạo ra một cú hích trong thị trường đồ uống sử dụng một lần.

Trái sang: Cặp đôi Briganti- Tucker với ống hút ăn được; Vin - Omi với thời trang làm từ nhựa tái chế; và chai nước ăn được Ooho của SRL.

Trái sang: Cặp đôi Briganti- Tucker với ống hút ăn được; Vin - Omi với thời trang làm từ nhựa tái chế; và chai nước ăn được Ooho của SRL.

Thời trang từ nhựa tái chế

Đó là sản phẩm của cặp đôi làm nghề thiết kế thời trang sinh thái ở London, Vin và Omi vừa được đưa ra giới thiệu tại buổi lễ thời trang London và xuất hiện trên trang bìa tạp chí Recycling & Waste World. Hai quý ông phù thủy này đã “hô biến” rác thải nhựa thành 12 loại vải độc đáo để cho ra đời những bộ thời trang hấp dẫn như áo choàng, áo phông T-shirt trông giống hệt lụa, nhưng thực chất 100% từ chai nhựa tái chế. Theo Vin, chiếc áo phông đầu tiên làm từ nhựa mềm hơn một chiếc áo phông bằng cotton bình thường, nó được chế từ 11 chai nước khoáng. Hiện, Vin và Omi đang có kế hoạch thu thập chai Coca-Cola, nơi thải ra thị trường hơn 110 tỷ chai nhựa sử dụng một lần mỗi năm theo Greenpeace để tạo ra một sản phẩm may mặc xa xỉ và trao tận tay cho CEO của Coca-Cola, đồng thời có kế hoạch khai trương một cửa hàng ở London bán các sản phẩm nói trên với giá phải chăng. Xa hơn là thức tỉnh ý thức bảo vệ môi sinh, tạo ra một thế giới sạch ‘phi rác thải nhựa” trong tương lai gần.

Chai nước ăn được dạng tròn Ooho

Sản phẩm của nhóm khoa học trẻ Rodrigo Garcia Gonzalez, Pierre Paslier và  Guillaume Couche ở Phòng thí nghiệm Skipping Rocks Lab (SRL), London, Anh. Ooho là một chai nước hình cầu có thể tiêu hóa được. Ý tưởng ra đời Ooho được nhen nhóm từ năm 2014 khi họ còn ngồi ghế Trường đại học Hoàng gia London. Tuy chế từ nhựa nhưng hoàn toàn hợp vệ sinh và giải quyết được vấn nạn rác thải nhựa gia tăng trong tương lai.

Sau hơn 2 năm miệt mài phát triển, sản phẩm đã trở nên hữu hình, được làm từ màng gelatine gốc rong biển, với nhiều kích thước trông như miếng silicon nâng ngực của phụ nữ. Màng gelatine được tạo thành nhờ nhúng một cục nước đá vào canxi clorua và natri alginate, chất làm dày được tách ra từ tảo nâu, thường dùng để tạo gel. Khi nước đá tan ra, màng tế bào vẫn còn nguyên, tạo ra một quả cầu nước. Nếu muốn dán nhãn thì dùng 2 lớp, nhãn mác chế từ bột gạo hay bột ngô ăn được cho vào giữa, khi dùng có thể nhai và nuốt được toàn bộ. Ooho giống hệt trái cây, an toàn, nếu không ăn vỏ thì loại bỏ và phân hủy nhanh trong môi trường trong thời gian không quá 2 tháng. Ngoài chứa  nước, Ooho có thể dùng đóng gói các loại đồ uống dạng dịch khác, kể cả cà phê, rượu mạnh hay mỹ phẩm. Hiện nhóm đề tài đang cải tiến, để tăng thêm chất dinh dưỡng và hương vị cho Ooho.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn