Thay vì lưu hồ sơ bằng cách viết tay, Tổ chức PATH Việt Nam đã thiết kế phần mềm sử dụng trên máy tính hoặc điện thoại thông minh để quản lý việc tiêm chủng. Theo đó, PATH Việt Nam đã được trao tặng 400.000 đô-la cho Immreg - một hệ thống đưa việc quản lý hồ sơ tiêm chủng tiến vào thời đại số. Immreg là một trong bốn sáng kiến đã được vinh danh trong khuôn khổ Giải thưởng Đổi mới trong Chăm sóc sức khỏe (HIA) lần thứ ba do Tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline(GSK) và Tổ chức Save the Children trao tặng.
Đưa việc quản lý hồ sơ tiêm chủng tiến vào thời đại số
Sáng kiến hệ thống kỹ thuật số quản lý công tác tiêm chủng
(Immreg) được Chương trình Công nghệ phù hợp trong y tế (PATH) triển khai ở tỉnh Bến Tre từ năm 2011. Đây là một hệ thống phần mềm đưa việc quản lý hồ sơ tiêm chủng tiến vào thời đại số, giúp tiết kiệm thời gian của nhân viên y tế và tổ chức tiêm chủng được dễ dàng hơn.
Đại diện GSK Việt Nam, Save the Children Việt Nam, PATH Việt Nam và các bên liên quan tại Sự kiện.
Theo đó, thay vì lưu hồ sơ bằng cách viết tay như trước đây gây mất thời gian và dễ gặp sai sót, nay các nhân viên y tế tỉnh Bến Tre được sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh để giám sát các kho bảo quản vắc-xin, tiếp nhận đăng ký tiêm chủng cho phụ nữ có thai và trẻ em, đồng thời theo dõi các mũi vắc-xin đã tiêm cho các đối tượng. Bên cạnh đó, thông qua dịch vụ tin nhắn, nhân viên y tế có thể nhắc các bà mẹ về lịch tiêm chủng cho bản thân và con em mình. Cách làm mới mẻ này của các nhân viên y tế ở Bến Tre đã khác hẳn với truyền thống nhiều năm nay mà họ đã làm đó là “ghi - chép” vừa mất thời gian và không dễ dàng trong quản lý. Thực tiễn này cho thấy, cái lợi mà sáng kiến của PATH đem lại không chỉ giúp cán bộ tiêm chủng đỡ vất vả (hiện thông thường cán bộ trạm y tế xã phải viết thư và đi phát thư mời tiêm chủng đến tận tay phụ nữ có thai và các bà mẹ trên địa bàn), mà chính cộng đồng - ở đây là trẻ em và các bà mẹ được hưởng lợi vì họ được nhắc nhở đi tiêm chủng đúng thời điểm, đủ mũi tiêm...
Nói về Immreg, bà Nguyễn Tuyết Nga, Quản lý Chương trình của PATH tại Việt Nam cho biết: “Nhờ Immreg, khoảng thời gian để lập danh sách trẻ đến thời hạn tiêm chủng hàng tháng đã giảm từ một đến hai ngày xuống chỉ còn 5-30 phút. Chúng tôi rất vui mừng khi tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ năm đầu đời đã tăng từ 74,3 lên 77,8% trong một năm thử nghiệm và tỷ lệ tiêm chủng đúng lịch cho các vắc-xin đã tăng trong khoảng 10-14%. Nhờ Giải thưởng này, chúng tôi rất mong muốn mở rộng triển khai sử dụng Immreg và thậm chí nâng tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn tới các bà mẹ và trẻ em Việt Nam”.
Nhân rộng phần mềm tiêm chủng vì cộng đồng
Tại Lễ trao giải thưởng Đổi mới trong Chăm sóc sức khỏe (HIA) lần thứ ba mới đây, ông James Strenner - Trưởng đại diện GSK tại Việt Nam đã nhấn mạnh: “Để hỗ trợ những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất tiếp cận được hệ thống chăm sóc sức khỏe thiết yếu thì rõ ràng, chúng ta cần phải có những hợp tác đổi mới cùng các ý tưởng đột phá và quan trọng hơn nữa là chúng có khả năng nhân rộng và bền vững. GSK vui mừng được trao tặng cho PATH giải thưởng cao nhất năm nay, điều này chứng tỏ rằng Việt Nam là trung tâm của sự đổi mới, đồng thời rất nhiều những nỗ lực đã được thực hiện nhằm cứu mạng sống của trẻ em nơi đây”.
Đồng quan điểm, ông Gunnar Andersen, Giám đốc Save the Children tại Việt Nam cho rằng, sáng kiến của PATH là một biện pháp can thiệp mang tính đổi mới có khả năng cứu mạng nhiều trẻ em. Hệ thống có thể được mở rộng và nhân bản giúp bảo vệ nhiều hơn nữa trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh. Ước tính mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 6 triệu trẻ tử vong vì những bệnh có thể phòng ngừa được.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, hàng trăm triệu liều vắc-xin được tiêm miễn phí cho trẻ để phòng ngừa 12 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Quản lý đối tượng tiêm chủng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chính xác tỷ lệ tiêm chủng, qua đó nâng cao miễn dịch cộng đồng. Hiện nay, sự di dân ở các thành phố lớn, việc quản lý đối tượng tiêm chủng do nhiều cơ quan phụ trách, phương pháp truyền thống là viết tay, sổ sách để quản lý, đặc biệt là tiêm dịch vụ đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì thế, cơ quan quản lý không tính được chính xác tỷ lệ tiêm chủng, không dự kiến được nhu cầu vắc-xin dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ, không đạt tỷ lệ tiêm chủng... Vì vậy, sắp tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với PATH triển khai rộng phần mềm quản lý tiêm chủng này.
Năm 2013, GSK và Save the Children đã lần đầu tiên khởi động Giải thưởng Ðổi mới trong Chăm sóc Sức khỏe trị giá 1 triệu USD để nhận diện và trao thưởng cho những đổi mới mà đã minh chứng sự thành công trong việc giảm bớt tỷ lệ trẻ em tử vong tại các nước đang phát triển.
Giải thưởng Ðổi mới trong Chăm sóc sức khỏe là một ví dụ điển hình đánh dấu tầm quan trọng mang tính quyết định của sự đổi mới trong mối quan hệ giữa GSK và Save the Children, thông qua đó, cả hai tổ chức đang kết hợp những tài nguyên, tiếng nói và chuyên môn của mình nhằm cứu giúp mạng sống của một triệu trẻ em. Mối quan hệ đối tác này không ngừng tìm kiếm những đổi mới tạo nên sự khác biệt rõ ràng trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em và cho phép họ chia sẻ, mở rộng phương pháp tiếp cận của mình thông qua giải thưởng.