Ngày 19/4, trao đổi với PV suckhoedoisong.vn, ThS.BS Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, bệnh nhi Nguyễn Đ.D (3 tuổi, Đồng Nai) nhập viện sáng nay (19/4) trong tình trạng khó thở, bệnh nhân vẫn tỉnh, da, niêm mạc hồng.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước đó 12 tiếng, cháu D. có sang nhà hàng xóm chơi, thấy đàn chó con đáng yêu bèn bế lên chơi. Không ngờ, chó mẹ thấy vậy xông ra cắn vào tay khiến D. ngã ngửa. Chưa dừng lại, con chó đẻ hung dữ tiếp tục lao vào cắn vào cổ khiến bé trai chảy máu cổ.
Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân có chảy máu vết cắn, phì phò khí - máu qua vết cắn, khóc khàn, khó thở nhẹ.
Bệnh nhi được người nhà đưa vào BV Nhi Thanh Hóa và được các bác sĩ sơ cứu, chụp CT kết quả thấy vết thương đã vào khí quản, sau đó tình trạng khó thở tăng lên và bệnh nhân được chuyển ra Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.
"Bệnh nhân bị chấn thương thanh khí quản do chó cắn, tràn khí cổ ngực. Các bác sĩ đã phải mổ cấp cứu, mở khí quản cho bệnh nhân"- ThS.BS Trần Hữu Thắng thông tin.
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân bị chó cắn.
Liên tục các trường hợp người dân bị chó cắn trong thời gian gần đây gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng nuôi nhốt chó không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân và cần thiết phải có chế tài xử lý nghiêm.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình nuôi chó mèo cần có ý thức trông giữ vật nuôi, tránh thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó cắn cần rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Sau đó vết thương cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn iod và đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Đặc biệt, cần tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan, người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đi tiêm phòng ngay.
* Mới đây, chiều 18/4, tại Hà Tĩnh, một bé trai 4 tuổi chơi trước sân bị chó nhà cắn lóc 13cm da đầu. Người thân cho hay, cháu bé trong lúc chơi trước sân nhà vào chiều cùng ngày, vô tình đụng phải con chó becgie nhà nuôi và bị con vật này quay lại tấn công.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh, các bác sĩ đã tiến hành khâu liền vết thương trên đầu dài 13cm, tiêm uốn ván, kê đơn kháng sinh. Đến tối ngày 17/4, sau khi được các bác sĩ xử lý các vết thương xong thì người thân xin đưa cháu bé về nhà tự điều trị và theo dõi.
* Cũng tại Hà Tĩnh, vào ngày 10/4, tại gia đình anh Phan Hữu Long (trú tại khối 4, thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) 5 người dân đang đứng nói chuyện trước cổng nhà bất ngờ bị một con chó lao ra cắn.
Bị chó tấn công, mọi người hoảng hốt bỏ chạy thoát thân nhưng cả 5 người đều bị con chó cắn xây xước ở tay và chân. Trong đó, một bé gái 5 tuổi khi bị con chó đuổi cắn không may đã té ngã úp mặt xuống đất, phải nhập viện khâu 13 mũi ở miệng.
Nhận được tin báo, Ban Thú y thị trấn Tây Sơn đã yêu cầu gia đình anh Long bắt nhốt con chó lại để theo dõi. Một ngày sau khi bị gia chủ nhốt lại, con chó bất ngờ lăn đùng ra chết. Cả 5 người dân bị chó cắn sau đó đã đến bệnh viện tiêm huyết thanh kháng dại.