Sáng danh Phật giáo Việt Nam

07-11-2008 4:44 PM | Văn hóa – Giải trí

Sắp tròn 700 năm ngày mất vua Trần Nhân Tông – vị vua có công lớn chống giặc ngoại xâm và phát triển Phật giáo Việt Nam. Các hoạt động tưởng niệm sẽ được tiến hành tại khu thắng tích Yên Tử - Uông Bí, Quảng Ninh với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Sắp tròn 700 năm ngày mất vua Trần Nhân Tông – vị vua có công lớn chống giặc ngoại xâm và phát triển Phật giáo Việt Nam. Các hoạt động tưởng niệm sẽ được tiến hành tại khu thắng tích Yên Tử - Uông Bí, Quảng Ninh với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Vua Phật

Tượng Vua Trần Nhân Tông trong tháp tổ. 

Trần Nhân Tông - vị vua thứ ba của triều Trần lên ngôi ở tuổi 21, trong 14 năm trị vì đất nước, người đã hai lần trực tiếp cầm quân đánh tan giặc xâm lược Nguyên Mông. 35 tuổi trở thành Thái thượng hoàng và 41 tuổi, người chính thức xuất gia, tu hành tại chùa Hoa Yên - Yên Tử, Quảng Ninh với đạo hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà, sau đổi thành Trúc Lâm Đại Đầu Đà, kế thừa Huệ Tuệ Thiền sư, làm tổ thứ 6 của Sơn môn Yên Tử.

Người đã đổi tên sơn môn thành Trúc Lâm Thiền Phái, tự mình làm Đệ nhất Tổ. Dòng thiền Trúc Lâm mang tư tưởng nhập thế, tư tưởng vì lợi ích an lạc cho dân tộc, có ảnh hưởng sâu rộng đến ngày nay. Trong đó, hạt nhân cơ bản của lý luận thiền mà người và các bậc tiền nhân xây dựng là chữ “Tâm” với ý nghĩa rộng lớn, quảng đại: Tâm cứu độ chúng sinh, tâm giải phóng dân tộc, tâm hòa nhập cộng đồng. Vì thế, dòng Thiền Trúc Lâm mang tính bao dung, hội nhập lớn lao và tinh thần nhập thế tích cực.

Sinh năm Mậu Ngọ 1258, vào giờ Tý ngày 1/11/1308 (Mậu Thân), sau khi căn dặn các đệ tử, Trần Nhân Tông nhập diệt Niết bàn, đệ tử và các đời sau tôn xưng Người là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Hướng tới kỷ niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng, các hoạt động chuẩn bị đang diễn ra tại khu thắng tích Yên Tử.

Tôn vinh “Tâm đại chúng”

Ghi nhớ công lao đức Phật hoàng và tâm niệm ứng dụng, phát huy tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống, các hoạt động đại lễ sẽ diễn ra trọng thể từ ngày 25 đến 27/11 tới, tức ngày 28/10 đến 1/11 theo âm lịch, tại khu thắng tích Yên Tử trong mối quan tâm của đông đảo tăng ni, Phật tử cả nước.

Viện KHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Giáo hội tổ chức hội thảo về tư tưởng, sự nghiệp Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông và tinh thần Trúc Lâm Thiền Tông, phân tích những ảnh hưởng sâu rộng của các giá trị, di sản này trong sự phát triển tư tưởng, văn hóa dân tộc, đồng thời nhận định và đặt ra vấn đề ứng dụng những tinh hoa của dòng thiền này vào xây dựng xã hội, phát triển đạo đức... Hội thảo được tổ chức trong hai ngày 26 và 27/11. Sáng 27, đúng ngày mất của đức Trần Nhân Tông, đại lễ tưởng niệm dưới sự điều hành của Giáo hội và Bộ VHTT&DL sẽ diễn ra tại quảng trường khai hội Yên Tử.

Cùng với chương trình đại lễ dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp, còn có các nghi lễ tâm linh khác như cúng Phật, cúng Tam tổ Trúc Lâm, đại trai đàn cầu siêu cho các liệt sĩ trận vong thời Trần, các lễ dâng hương, lễ cầu nguyện thế giới hòa bình, quốc thái dân an..., diễn ra ở Yên Tử và nhiều địa điểm khác thuộc tỉnh Quảng Ninh. TS. Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Phật giáo Quảng Ninh cho biết: Cùng với lễ, còn có nhiều hoạt động văn nghệ phục vụ hội thảo, tăng ni Phật tử như hai vở chèo Tam tổ Trúc Lâm và Thái sư Trần Thủ Độ do Đoàn chèo Quảng Ninh và Nhà hát chèo Nam Định biểu diễn, biểu diễn múa “Lục cúng hoa đăng” và múa “Bài bông”. Đồng thời ngày 26 và 27, tại Yên Tử sẽ có triển lãm thư pháp các tác phẩm của Trúc Lâm tam tổ...

Lưu Nguyễn


Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH