Chỉ còn khoảng 10- 15 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc COVID-19 trên 1.000/ ngày
Theo Bộ Y tế ngày 7/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 45.886 ca mắc COVID-19 mới, giảm 3.240 ca so với ngày trước đó tại 63 tỉnh, thành phố (trong đó có 33.715 ca trong cộng đồng).
Số địa phương ghi nhận ca mắc trên 1.000 ca/ ngày đã giảm mạnh, khoảng 2 tuần nay chỉ dao động trong khoảng 10-15 tỉnh, thành; TP Hà Nội vốn là 'điểm nóng' dịch thời gian qua đã giảm mạnh, ngày 7/4 chỉ còn 3.635 ca, bằng khoảng 1/8 số mắc của ngày cao điểm nhất thời gian qua.
Số mắc hàng ngày giảm nên trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua cũng giảm xuống còn 55.374 ca/ngày thay vì khoảng 150.000 như đợt cao điểm đầu tháng 3/2022.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.070.692 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 101.849 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.062.951 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.514.982), TP. Hồ Chí Minh (600.037), Nghệ An (410.099), Bình Dương (380.590), Vĩnh Phúc (351.349).
Số bệnh nhân COVID-19 nặng giảm mạnh, còn khoảng hơn 1.500 ca đang điều trị
Bộ Y tế cho biết đến nay tổng số ca được điều trị khỏi: 8.395.066 ca
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.674 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.149 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 259 ca; Thở máy không xâm lấn: 58 ca; Thở máy xâm lấn: 207 ca; ECMO: 1 ca
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 34 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.733 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3/2022 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.
Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày, trong đó, từ 150.000 ca mắc mới mỗi ngày xuống còn trên dưới 50.000 ca mỗi ngày (tương đương với tuần thứ 3 của tháng 2 vừa qua là thời điểm trước khi số mắc bắt đầu gia tăng cao nhất), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine phòng COVID-19; số ca nặng từ hơn 3.600 ca xuống còn hơn 1.500 ca đang điều trị tại bệnh viện; số tử vong từ hơn 50 ca mỗi ngày xuống còn hơn 30 ca mỗi ngày.
19 nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước. Các nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Trước đó, ngày 4/4, Bộ Y tế đã có thông báo chi tiết về quy trình cấp "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam và dự kiến từ ngày 15/4 sẽ tiến hành cấp hộ chiếu vaccine cho người dân.
Bộ Ngoại giao cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã rất tích cực, chủ động đàm phán, đẩy nhanh quá trình công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine với các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Người mang hộ chiếu vaccine được Việt Nam và các nước công nhận được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vaccine của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.
Hộ chiếu vaccine được hiểu là giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc giấy xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 495.849.027 ca, trong đó có 6.193.721 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 431 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 55 triệu ca và trên 62.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 7/4, thế giới có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.
Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc tiếp tục là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 224.000 ca), trong khi nước này cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 340 ca.
Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong, với hơn 81,9 triệu ca mắc và hơn 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc (hơn 43 triệu ca) trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 660.782 ca.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với hơn 182,1 triệu ca mắc, tiếp đó là châu Á với hơn 142,4 triệu ca. Xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu với hơn 1,7 triệu ca, tiếp đến là khu vực Bắc Mỹ với 1.446.731 ca, trong khi con số này ở châu Á là 1.408.365 ca. Khu vực Nam Mỹ hiện ghi nhận hơn 56,2 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.