Ca mắc COVID-19 mới và bệnh nhân nặng giảm
Bộ Y tế cho biết ngày 7/10 có 702 ca mắc COVID-19, giảm hơn 400 so với ngày trước đó; Trong ngày 7/10 có 437 ca khỏi; ghi nhận 1 trường hợp tại Quảng Ninh tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.485.361 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.068 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.595.796 ca; trong số hơn 844 nghìn người mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 73 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 61 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca.
Kể từ đầu tháng 10/2022 đến nay, cả số ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đều có dấu hiệu chững lại, giảm nhiều so với đầu tháng 9/2022. Nếu ở giai đoạn tháng 9 có nhiều ngày số mắc mới lên đến trên 3.000 ca thì hiện nay, 7 ngày qua số mắc mới dao động từ gần 500- gần 1.200 ca/ ngày; Cùng đó, bệnh nhân nặng đang điều trị phải thở oxy cũng giảm xuống, dao động từ trên 50- trên 70 bệnh nhân/ ngày.
Đã tiêm hơn 260,2 triệu liều vaccine COVID-19, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm hơn nữa
Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp.
Tốc độ gia tăng số mắc hàng ngày của COVID-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như bản chất của biến thể về khả năng lây nhiễm (virus SARS-CoV-2 thường xuyên biến đổi, không ổn định); khả năng bảo vệ miễn dịch giảm theo thời gian và độ bao phủ vaccine; khả năng đáp ứng và các biện pháp phòng, chống dịch, do đó khó dự báo được mức độ tăng cụ thể trong thời gian tới.
Hệ thống đáp ứng phòng, chống dịch từ trung ương đến địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong, khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch;
Tổ chức triển khai hiệu quả chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới "Vì một Việt Nam vững vàng, khỏe mạnh" theo công thức "2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác"
Đến hết ngày 7/10, cả nước đã tiêm hơn 260,2 triệu liều vaccine COVID-19 các loại; tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp hơn mức bình quân của cả nước, do đó cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
Làn sóng dịch COVID-19 có nguy cơ quay trở lại châu Âu
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 625,6 triệu ca, trên 6,55 triệu ca tử vong.
Làn sóng dịch COVID-19 có nguy cơ quay trở lại châu Âu khi thời tiết khu vực này trở nên mát mẻ hơn, trong khi các chuyên gia y tế cho rằng chiến dịch tiêm liều tăng cường đang chậm lại.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 5/10 vừa qua, số ca nhiễm mới ở Liên minh châu Âu (EU) trong tuần trước là 1,5 triệu ca, tăng 8% so với tuần trước đó dù số lượt xét nghiệm giảm mạnh. Số ca nhập viện ở nhiều nước EU cũng như ở Anh cũng tăng lên trong những tuần gần đây.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết số liều vaccine được tiêm chủng hằng tuần trong tháng 9 vừa qua tại EU chỉ từ 1 triệu đến 1,4 triệu liều, ít hơn rất nhiều so với khoảng từ 6 - 10 triệu liều/tuần ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái, ngay cả khi EU đầu tháng trước đã cấp phép cho 2 loại vaccine tăng cường ngừa COVID-19 được điều chỉnh để chống lại các dòng phụ của biến thể Omicron là BA.1, BA.4 và BA.5.
Hiện Anh cũng mới chỉ cấp phép cho loại vaccine tăng cường ngừa dòng phụ BA.1.