Sáng 8/10, không có ca mắc mới, Việt Nam nỗ lực tiếp cận vắc xin COVID-19

08-10-2020 06:25 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bản tin sáng ngày 8/10, của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay đã 36 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Việt Nam nỗ lực tiếp cận vắc xin COVID-19 theo 2 con đường chính

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 6h ngày 08/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

- Tính từ 18h ngày 07/10 đến 6h ngày 08/10: 0 ca mắc mới.

Đến hôm nay ngày 8/10, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 36 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã sang ngày thứ 51, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 14.250, trong đó:


- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 276

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.549

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 2.425.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.023 bệnh nhân/1.099 bệnh nhân COVID-19.

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 5 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 8 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01). Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

 

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất trong nước đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19.

Trong đó, có hai nhà sản xuất tiềm năng gồm Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) tại Nha Trang với công nghệ phôi trứng gà và công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen với công nghệ tái tổ hợp.

Sản xuất vắc xin từ phôi trứng gà là nghiên cứu phát triển virus trên tế bào phôi gà hoặc trứng được thụ tinh, sau đó vô hiệu hóa virus để chúng không còn khả năng gây bệnh, tạo thành kháng nguyên (chất gây phản ứng miễn dịch cho cơ thể) để điều chế vắc xin.


Sản xuất vắc xin theo công nghệ tái tổ hợp là sử dụng công nghệ sinh học tách và tái tổ hợp gene của SARS-CoV-2 vào vi khuẩn hoặc một dòng tế bào thích hợp.

Hiện 2 vắc xin trên đang ở giai đoạn test thử thách, tức là tạo ra một vắc xin hoàn chỉnh tiêm thử trên động vật, sau đó cho động vật này tiếp xúc với SARS-CoV-2 để thử thách hiệu quả bảo vệ.

Hiện tại, IVAC đã chuyển vắc xin cho phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ để test.

Nanogen đang test thử thách vắc xin tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã yêu cầu đơn vị này gửi mẫu test qua phòng thí nghiệm ở Hàn Quốc để thử thách song song.

Các nhà sản xuất dự kiến khoảng tháng 12 năm nay sẽ có kết quả test thử thách. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ thẩm định và cho phép thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngay lập tức. Như vậy trong 1 năm tới, Việt Nam dự kiến hoàn thành 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng vắc xin

Với mục tiêu để Việt Nam có thể tiếp cận được sớm nhất có thể với vắc xin COVID-19, Bộ Y tế đã và đang tiếp cận theo 2 con đường chính. Thứ nhất là đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới. Trong trường hợp nghiên cứu lâm sàng của những nhà sản xuất này thành công, Việt Nam cũng sẽ có thể tiếp cận sớm.

Tuy nhiên, số lượng vắc xin mà các nhà sản xuất nước ngoài có thể phân phối cho mỗi quốc gia chỉ ở mức giới hạn nhất định, trong khi đó chủ trương của Chính phủ là phải có vắc xin để phục vụ cho toàn dân.

Chính vì vậy, Việt Nam phải làm chủ được công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 của riêng mình. Đây cũng là hướng tiếp cận thứ hai của Bộ Y tế thúc đẩy, hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để có thể cho ra đời vắc xin COVID-19 “made in Vietnam” sớm nhất có thể.

 

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn