37 ngày liên tiếp không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong
Bộ Y tế cho biết, ngày 6/2 có 11 ca mắc mới COVID-19 tăng 4 ca so với ngày trước đó; trong ngày 6/2 có 5 bệnh nhân khỏi, hiện chỉ còn 2 ca nặng phải thở oxy qua mặt nạ.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.577 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.485 ca nhiễm).
Đến nay tổng số trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.614.591 ca, trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát chỉ còn 2 bệnh nhân đang thở oxy qua mặt nạ.
Đến nay đã 37 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận trường hợp tử vong vì COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Thông tin mới nhất về tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam
Theo thống kê đến nay tổng số mũi vaccine COVID-19 đã tiêm ở nước ta là: 266.205.611
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
- Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.931.848 mũi tiêm (81,4%);
- 6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Cao Bằng (64,5%); Quảng Nam (63,5%); Bình Định (64,5%); Phú Yên (63,2%); Đồng Nai (53,9%); Đồng Tháp (60,7%).
- 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%).
- Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.543.994 mũi tiêm (87,6%)
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.809.663 mũi tiêm (69,1%)
- 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,6%); Bình Thuận (44,1%); TP. HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
- Tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.494.588 mũi tiêm:
- Mũi 1: 10.247.641 mũi tiêm (92,7%)
- Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,5%); Quảng Trị (78,9%); Đà Nẵng (68,5%); TP HCM (64,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (73,3%)
- Mũi 2: 8.246.947 mũi tiêm (74,6%)
- Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (56,2%); Đà Nẵng (37%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (41%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44,6%)
Vì sao chuyên gia đề xuất đăng ký và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng, tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân?
Tại hội thảo khoa học về Đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người do Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế y tế Việt Nam tổ chức ngày 6/2, nhiều ý kiến đề xuất và cần sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác trong đó bổ sung hình thức đăng ký và cấp thẻ đăng ký hiến tặng mô tạng, tích hợp trên bằng lái xe hoặc căn cước công dân (CCCD).
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia nêu ý kiến về việc tích hợp đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và CCCD sẽ giúp tăng lượng người đăng ký hiến tạng lên nhiều lần.
"Việc đăng ký hiến tạng qua bằng lái xe và CCCD sẽ giúp hầu hết tiếp cận với mọi công dân khi đến tuổi trưởng thành. Khi người dân thi bằng lái xe hoặc làm CCCD sẽ được hỏi về việc có đồng ý hiến tạng hay không.
Nếu người trưởng thành đồng ý hiến tặng sẽ được tích hợp thông tin bằng hình ảnh biểu tượng hoặc chữ hiến tạng (hoặc cả hai) trên bằng lái xe hoặc CCCD tạo hình ảnh nhân văn.
Đồng thời, việc tích hợp cũng thuận lợi xác định tâm nguyện người hiến tạng chết não (trong các trường hợp tai nạn giao thông hoặc các hoàn cảnh khác có liên quan). Giúp tăng nguồn hiến tạng mô, tạng từ người chết não; hạn chế tệ nạn mua bán tạng từ người hiến sống.