Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.232.520 ca mắc COVID-19, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 42.847 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.225.053 ca, trong đó có 2.613.185 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (548.041), Hà Nội (365.456), Bình Dương (308.418), Bắc Ninh (135.181), Quảng Ninh (122.442).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 109.499 ca/ngày.
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.616.002 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.249 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.364 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 448 ca; Thở máy không xâm lấn: 111 ca; Thở máy xâm lấn: 318 ca; ECMO: 8 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 97 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.726 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 34.206.904 mẫu tương đương 79.958.878 lượt người, tăng 76.795 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 04/3 có 964.471 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 197.277.917 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 180.261.337 liều: Mũi 1 là 70.850.523 liều; Mũi 2 là 67.633.117 liều; Mũi 3 là 1.498.455 liều; Mũi bổ sung là 14.184.609 liều; Mũi nhắc lại là 26.094.633liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.016.580 liều: Mũi 1 là 8.741.641 liều; Mũi 2 là 8.274.939 liều.
Biến thể 'Omicron tàng hình' lây lan nhanh ở nhiều tỉnh thành, thay thế dần Delta
Ca COVID-19 mới có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết tỉnh thành trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là trên 131.000 ca), số ca tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trong ngày 5/3, cả nước có 38 tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc COVID-19 từ 1.000- 25.000 ca, gồm: Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (25.013), Bắc Ninh (7.161), Nghệ An (6.460), Sơn La (4.228), Phú Thọ (3.864), Hưng Yên (3.818), Bình Dương (3.608), Nam Định (3.536), Lạng Sơn (3.251), Quảng Ninh (2.998), TP. Hồ Chí Minh (2.984), Đắk Lắk (2.916), Vĩnh Phúc (2.805), Hòa Bình (2.799), Thái Nguyên (2.792), Tuyên Quang (2.747), Bắc Giang (2.573), Ninh Bình (2.525), Quảng Bình (2.338), Yên Bái (2.278), Thái Bình (2.240), Cao Bằng (2.212), Hải Dương (2.182), Bình Phước (2.158), Hà Nam (2.146), Khánh Hòa (2.102), Hà Giang (2.081), Điện Biên (2.051), Đà Nẵng (1.967), Lào Cai (1.945), Bình Định (1.894), Cà Mau (1.732), Lai Châu (1.709), Gia Lai (1.481), Quảng Trị (1.183), Thanh Hóa (1.099), Lâm Đồng (1.060), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.024),
Theo báo cáo của Bộ Y tế về công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, ngày 5/3, so với tháng trước, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỉ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).
Phân bố tỉ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2/2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.
Theo báo cáo của TP. Hà Nội biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%);
Tại TP HCM biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen. Tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%).
Biến thể BA.2, còn được gọi là "Omicron tàng hình" đang lây lan trên 82 quốc gia, khi mắc BA.1 vẫn có khả năng tái nhiễm BA.2 ở phần lớn những người trẻ tuổi, chưa được tiêm chủng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, số ca mắc COVID-19 trong thời gian gần đây tăng lên chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron.
Biến chủng này lây lan nhanh hơn, tuy nhiên ít làm tăng nặng hơn. Các sinh phẩm xét nghiệm hiện nay vẫn đang có hiệu quả trong công tác phát hiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định: Vaccine hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%). Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron là có nên vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
TP HCM: Quy trình xử lý F0 tại cộng đồng theo 4 bước
Sở Y tế TP HCM đã có văn bản cập nhật hướng dẫn quy trình xử lý F0 tại cộng đồng gồm 4 bước.
1. Trạm y tế phường, xã, thị trấn (cấp xã) nhận danh sách F0 trên địa bàn từ nhiều nguồn khác nhau. Trong trường hợp chưa đủ chứng cứ để xác nhận là F0, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động thực hiện lại xét nghiệm bằng test nhanh do Bộ Y tế cấp phép.
2. Quá trình quản lý, chăm sóc F0, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động đánh giá tình trạng sức khỏe của F0.
Nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc Sp02 dưới 96%) thì gọi Tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì cho cách ly điều trị tại nhà (nếu đủ điều kiện) và cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo "Hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0" do Sở Y tế ban hành và phác đồ điều trị của Bộ Y tế.
Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển đến cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; cơ sở cách ly có thu phí, cơ sở cách ly tập trung của địa phương) tùy theo tình trạng, mức độ bệnh và nguyện vọng của F0 hay gia đình.
3. Quy trình điều tra dịch tễ, xác định F1 trong cùng hộ gia đình, trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động điều tra dịch tễ, tiền sử tiêm vaccine COVID-19 của tất cả người sống cùng nhà; lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine). Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho tất cả các thành viên sống cùng nhà với F0.
Những người có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính sẽ được xác định là F0 và chăm sóc, quản lý như trên.
Trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính, nếu thành viên trong hộ gia đình là F1 thì thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Trong suốt thời gian cách ly, các F1 không được tiếp xúc nhau và tiếp xúc người khác.
Nếu thành viên trong hộ gia đình không phải là F1 thì hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe trong vòng 10 ngày; tổ chức tiêm chủng ngay cho đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 theo lứa tuổi; đặc biệt cần theo dõi sát những người thuộc nhóm nguy cơ.
UBND cấp xã chịu trách nhiệm ban hành quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế và cấp giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly y tế đối với người được cách ly; tăng cường kiểm tra giám sát sự tuân thủ cách ly y tế của các trường hợp F1.
4. Điều tra dịch tễ, xác định các hộ gia đình có nguy cơ lây lan dịch bệnh, chỉ thực hiện khi xuất hiện F0 ở ít nhất 2 hộ liền kề hoặc 2 hộ có giao lưu tiếp xúc trong 3 ngày.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,3 triệu ca mắc COVID-19 và trên 5.200 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 445 triệu ca, trong đó trên 6,01 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (254.326 ca), Đức (144.427 ca) và Việt Nam (131.817 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (750 ca), Brazil (684 ca) và Indonesia (322 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 80,9 triệu ca mắc COVID-19 và trên 983.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 42,9 triệu ca mắc và trên 515.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29 triệu ca mắc và trên 651.000 ca tử vong.
Tại châu Á, Hàn Quốc tiếp tục là điểm nóng về dịch bệnh khi số ca mắc mới ở trên mức 250.000 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp.
Theo thống kê của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 5/3, nước này đã ghi nhận 254.326 ca mắc mới, tăng 50% so với một tuần trước đó, nâng tổng số ca bệnh lên 4.212.652 ca. Đáng chú ý, Hàn Quốc đã ghi nhận 216 ca tử vong mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca bệnh không qua khỏi tại nước này lên 8.796 ca.
Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đã giảm 16% trong tuần vừa qua. Báo cáo của WHO cho thấy trong tuần tính đến ngày 1/3, số ca tử vong trên toàn thế giới liên quan COVID-19 đã giảm 10%.