Có 55 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị
Bộ Y tế cho biết ngày 4/11 có 339 ca mắc COVID-19 mới, giảm gần 500 ca so với ngày trước đó; trong ngày không có bệnh nhân tử vong. Đây cũng là ngày đầu tiên trong tháng 11, số ca mắc mới giảm dưới mốc 400; những ngày trước đó, ca COVID-19 liên tục tăng.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.505.249 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.269 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.604.381 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở oxy là 55 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 44 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Quy trình giám định pháp y tâm thần 30 bệnh/rối loạn tâm thần thường gặp
Bộ Y tế vừa ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần 30 bệnh/rối loạn tâm thần thường gặp. Theo đó có 30 bệnh là:
1. Mất trí trong bệnh pick (F02.0)
2. Mất trí không biệt định (F03)
3. Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa (F12)
4. Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cocaine (F14)
5. Các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất kích thích khác bao gồm cafeine (F15)
6. Tâm thần phân liệt thể căng trương lực (F20.2)
7. Rối loạn loạn thần đa dạng cấp với các triệu chứng của tâm thần phân liệt (F23.1)
8. Hưng cảm nhẹ (F30.0)
9. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại giai đoạn hỗn hợp (F31.6)
10. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hiện tại thuyên giảm (F31.7)
11. Giai đoạn trầm cảm nhẹ (F32.0)
12. Giai đọan trầm cảm vừa (F32.1)
13. Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại thuyên giảm (F33.4)
14. Khí sắc chu kỳ (F34.0)
15. Rối loạn hoảng sợ (F41.0)
16. Rối loạn lo âu lan tỏa (F41.1)
17. Phản ứng trầm cảm ngắn (F43.20)
18. Phản ứng trầm cảm kéo dài (F43.21)
19. Phản ứng hỗn hợp lo âu và trầm cảm (F43.22)
20. Sững sờ phân ly (F44.2)
21. Các rối loạn vận động phân ly (F44.4)
22. Co giật phân ly (F44.5)
23. Các rối loạn phân ly (chuyển di) hỗn hợp (F44.7)
24. Rối loạn cơ thể hóa (F45.0)
25. Xu hướng tình dục quá mức (F52.7)
26. Các rối loạn tâm thần và hành vi nhẹ, kết hợp với thời kỳ sinh đẻ, không phân loại ở nơi khác (F53.0)
27. Các rối loạn tâm thần và hành vi nặng, kết hợp với thời kỳ sinh đẻ, không phân loại ở nơi khác (F53.1)
28. Biến đổi nhân cách kéo dài sau trải nghiệm sự kiện bi thảm (F62.0)
29. Biến đổi nhân cách kéo dài sau bệnh tâm thần (F62.1)
30. Loạn dục trẻ em (F65.4)
Mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 03 giám định viên tham gia. Trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định bệnh, đánh giá năng lực hành vi, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác nhau, giám định lại lần thứ nhất (giám định lại lần I) thì có thể có 05 GĐV tham gia. Trường hợp giám định lại lần thứ hai (giám định lại lần II), giám định đặc biệt thì có thể mời thêm chuyên gia về giám định pháp y tâm thần, nhưng tổng số không quá 09 GĐV/01 ca giám định.
Điều dưỡng quản lý, theo dõi và chăm sóc đối tượng giám định. Mỗi trường hợp giám định cần phải có 02 điều dưỡng viên giúp việc.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 637 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Khoảng 2/3 dân số Australia đã mắc COVID-19, trong đó có trẻ em. Đây là kết quả thu được qua hai cuộc nghiên cứu và đánh giá về khả năng miễn dịch của trẻ em và người trưởng thành tại Australia.
Trong nghiên cứu thứ nhất, mạng lưới Giám sát bệnh nhi tăng cường (PAEDS) và Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát tiêm chủng quốc gia (NCIRS) đã tiến hành xét nghiệm 2 loại kháng thể trong mẫu máu của trẻ em từ 0-19 tuổi, được thu thập trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8. Loại đầu tiên là kháng thể chống lại protein nucleocapsid của virus SARS-CoV-2, thể hiện việc từng nhiễm virus này, trong khi loại còn lại là kháng thể chống protein gai, thể hiện việc từng lây nhiễm hoặc tiêm phòng COVID-19 trước đó.
Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 79% trẻ em chưa tiêm phòng COVID-19 trong độ tuổi từ 1 - 4 đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi 67% trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11, trong đó phần lớn đã tiêm phòng, đều đã từng mắc bệnh. Trong số những em từ 12 - 19 tuổi, tỷ lệ từng nhiễm virus chiếm khoảng 70%.
Trong khi đó, Viện Kirby và Đai học New South Wales (UNSW) và NCIRS tiến hành nghiên cứu khác đối với 5.005 mẫu xét nghiệm nhận được trong giai đoạn từ ngày 23/8 - 2/9 vừa qua, kết quả cho thấy ít nhất 65% người trưởng thành có các kháng thể chứng tỏ họ từng mắc bệnh, tăng khoảng 20% so với cuộc nghiên cứu trước đó cách đây 3 tháng.