Sáng 4/10, không có ca mắc mới COVID-19, WHO dự báo dịch bệnh còn có thể kéo dài

04-10-2020 06:21 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bản tin sáng ngày 4/10, của Ban Chỉ đạo Quốc gia cho biết Việt Nam không có thêm ca mắc COVID-19 mới. Đến nay đã 32 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng. Theo dự báo của WHO, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vắc xin điều trị. Trước diễn biến và tác động của dịch bệnh đến kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” trên nguyên tắc ưu tiên sự an toàn.

Số ca mắc ở Việt Nam:

- Tính đến 6h ngày 04/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.

- Tính từ 18h ngày 03/10 đến 6h ngày 04/10: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Như vậy, đến hôm nay Việt Nam cũng đã trải qua 32 ngày không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã qua 47 ngày Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Tất cả các ca bệnh nhập cảnh đều được cách ly ngay, không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 16.477, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 718

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.212

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 4.547

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 1.020 bệnh nhân COVID-19/1.096 ca mắc (khoảng 96% tổng số ca mắc đã được chữa khỏi). Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 1 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 2 ca, số ca âm tính lần 3 là 4 ca.

Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc (3 cấp) của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 3/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, theo các chuyên gia trên thế giới, một số bài học kinh nghiệm đúc rút trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đó là: Đeo khẩu trang thường xuyên là phương án chống dịch đơn giản, hiệu quả nhất; công tác phát hiện nhanh, truy vết, cách ly có tính chất quyết định mức độ lan của dịch; giãn cách xã hội nhằm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh. Đây cũng là những biện pháp được Việt Nam triển khai sớm, ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện trong nước.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh có thể kéo dài đến hết năm 2021 do chưa có vắc xin điều trị. Trước diễn biến và tác động của dịch bệnh đến kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới, Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” trên nguyên tắc ưu tiên sự an toàn.

Trên cơ sở xác định 4 nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị xây dựng tiêu chuẩn an toàn trước yêu cầu sống chung an toàn với dịch bệnh. Theo đó, “Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19” (www.antoancovid.vn) vừa ra mắt vào 1/10, nhằm mục đích kiểm soát dịch bệnh trên quy mô toàn quốc. Bản đồ thể hiện công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ sở công cộng, nơi tập trung đông người.

Trước mắt, bản đồ được triển khai trong hệ thống các trường học và cơ sở y tế. Theo đó,các cơ sở y tế, giáo dục thường xuyên sử dụng ứng dụng, cập nhập các công việc đảm bảo môi trường an toàn phòng, chống COVID-19 trên cơ sở các tiêu chí Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương đề ra.

Tiếp đó, dựa vào diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế, các bộ, ngành, địa phương xây dựng danh mục công việc cụ thể, đánh giá ở 3 mức độ (an toàn/có rủi ro/không an toàn) nhằm thực hiện phòng, chống dịch theo khung thời gian nhất định. Bản đồ được triển khai, nhân rộng đến các khách sạn, trụ sở làm việc, nhà máy, siêu thị, phương tiện giao thông công cộng…

Hiện, Bộ Y tế phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện công cụ này. Các cấp xã, phường được cấp tài khoản để cập nhật tình hình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từng địa phương, cơ sở.


Thái Bình
Ý kiến của bạn