Ca COVID-19 tăng khoảng 700- 800 ca/ ngày
Bộ Y tế cho biết ngày 30/8 có 3.241 ca COVID-19 mới, tăng hơn 800 ca so với ngày trước đó. Đây cũng là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca mắc COVID-19 tăng trung bình khoảng 700 - hơn 800 ca mới/ ngày.
Trong ngày có hơn 13.000 bệnh nhân khỏi và số ca tử vong nhiều nhất trong giai đoạn vừa qua với 4 trường hợp/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.408.952 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.980 ca nhiễm).
Đến tổng số người mắc COVID-19 được điều trị khỏi ở nước ta là: 10.170.271 ca; Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, điều trị, số trường hợp thở ô xy là 137 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 124 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca. Số bệnh nhân nặng này tăng thêm khoảng 30 trường hợp so với ngày trước đó.
Bệnh nhân COVID-19 nặng tăng, Bộ Y tế đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng, nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc, lại xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng, nguy cơ cao xâm nhập các bệnh dịch mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ...
Bộ Y tế đánh giá từ đầu tháng 8 đến nay số ca mắc mới đang có xu hướng tăng dần với các biến thể phụ mới của chủng Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) trung bình khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày cùng với đó số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng và xuất hiện các ca tử vong do COVID-19.
Tại một số địa phương, việc tiêm vaccine chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi còn thấp.
Trong khi Bộ Y tế thông tin, qua đánh giá các ca bệnh COVID-19 nặng và tử vong, có khoảng 35% số ca bệnh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị tăng cường rà soát và triển khai truyền thông và tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Do đó, Bộ Y tế kêu gọi các địa phương tăng cường truyền thông, nêu rõ lợi ích của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với những người có nguy cơ cao, đặc biệt là trẻ em. Vận động phụ huynh đồng thuận để trẻ trong độ tuổi từ 12- dưới 18 tuổi được tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19; tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho các em từ 5 - dưới 12 tuổi; tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đề nghị xây cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi có đông công nhân lao động
Ngày 30/8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản góp ý dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đề nghị nghiên cứu, bổ sung khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động thuộc nhóm đối tượng cần được ưu tiên, bố trí ngân sách, được tập trung đầu tư để xây dựng, phát triển cơ sở khám, chữa bệnh.
Việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại nơi có đông công nhân lao động vừa đáp ứng điều kiện làm việc (có ít thời gian, đi làm sớm, về muộn) của công nhân lao động, đồng thời có khả năng giải quyết các thảm họa, sự cố y khoa (dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, cháy nổ,…).
Góp ý của Tổng Liên đoàn cũng nêu: Ngoài các đối tượng người có công với cách mạng, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…, đề nghị bổ sung công nhân lao động là đối tượng cần được quan tâm trong khám, chữa bệnh.
Cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho công nhân lao động có thể dễ dàng tiếp cận và thuận lợi (đặc biệt là khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế).
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 606,7 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) vừa phê chuẩn việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở nước này.
Động thái trên nhằm giúp nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ trong nhóm tuổi trên và ngăn chặn nguy cơ gặp phải các triệu chứng nặng khi trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt làn sóng lây nhiễm thứ 7 của dịch COVID-19.
Nhật Bản đã bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ 2 cho trẻ trong nhóm tuổi trên từ tháng 2 vừa qua. Cho đến nay, nước này mới cấp phép sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho các em trong nhóm từ 5-11 tuổi.