Sáng 30/6: Chưa quốc gia nào công bố coi COVID-19 là bệnh lưu hành; Viên bi sắt hoen gỉ 'lạc vào' hốc mũi bé trai 4 tuổi

30-06-2022 06:21 | COVID-19

SKĐS - Tại dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế vẫn đề xuất COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành; Chưa quốc gia nào công bố coi COVID-19 là bệnh lưu hành; Viên bi sắt hoen gỉ 'lạc vào' hốc mũi bé trai.... là những thông tin nổi bật của bản tin sáng.

Trong vòng 6 tháng qua biến thể Omicron có 5 biến thể phụ

Theo Bộ Y tế, ngày 29/6 có 777 ca mắc COVID-19 mới  Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 9.675.359 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy tăng lên 49 ca- cao hơn ngày trước đó 16 ca trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 36 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca. ECMO: 0 ca

Theo dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới  lấy ý kiến góp ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các bộ, ngành, tỉnh, thành và chuyên gia, Bộ Y tế vẫn đề xuất COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành.

Bộ Y tế cũng cho biết, qua trao đổi với Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 19/5/2022, chưa có quốc gia nào trên thế giới báo cáo tổ chức này về việc chính thức công bố COVID-19 là bệnh lưu hành. Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á đã đưa các tiêu chí để xem COVID-19 là bệnh lưu hành, như Thái Lan, Indonesia (cùng với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Australia...) trên cơ sở thông qua các chỉ số như tỉ lệ tử vong thấp, tỉ lệ mắc bệnh nặng phải nhập viện giảm và độ bao phủ vaccine cao tại nhiều độ tuổi, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ.

Indonesia quy định COVID-19 là bệnh lưu hành khi tỉ lệ sử dụng giường bệnh phải dưới 5% và tỉ lệ dương tính phải dưới 1% dân số. Thái Lan dự kiến từ ngày 1/7/2022 coi COVID-19 là bệnh lưu hành với điều kiện tỉ lệ tử vong không vượt quá 0,1% (hiện nay tỉ lệ này là gần 0,2%), theo đó sẽ bỏ yêu cầu xét nghiệm, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang, ngoại trừ với những người đang nhiễm bệnh.

Nhiều nước châu Âu và một số nước châu Á trong thời gian qua cũng đã từng bước nới lỏng nhiều biện pháp trên cơ sở tỉ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao (trên 80%) và số trường hợp mắc mới, tử vong giảm trong thời gian gần đây.

Nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đối với các bệnh thông thường khác (không bắt buộc phải cách ly đối với F0, F1 hoặc không phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, trong phòng kín..., như Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Iceland.

Sáng 30/6: Chưa quốc gia nào công bố coi COVID-19 là bệnh lưu hành; Viên bi sắt hoen gỉ 'lạc vào' hốc mũi bé trai 4 tuổi - Ảnh 2.

Biến thể phụ BA.5 đã có mặt tại Việt Nam, việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 vaccine phòng COVID-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch COVID-19.

Có 118/208 quốc gia, vùng lãnh thổ dỡ bỏ các hạn chế đi lại do COVID-19. Có 156 quốc gia, vùng lãnh thổ mở cửa biên giới cho phép tất cả công dân đến từ mọi quốc gia nhập cảnh. Có 28/40 quốc gia tại 5 châu lục không yêu cầu đeo khẩu trang. Có 11/40 quốc gia tại 5 châu lục (Estonia, Phần Lan, Đức, Hy Lạp, Latvia, Thái Lan, Lào, Oman, Thổ Nhĩ Kỳ, Belize, Guatemala) vẫn yêu cầu người dân giữ khoảng cách cá nhân từ 1 đến 2 m.

Bộ Y tế cũng nhận định, khó khăn khi chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B  do SARS-CoV-2 biến đổi liên tục (từ tháng 12/2019 đến nay ghi nhận 5 biến thể mới và trong vòng 6 tháng qua biến thể Omicron có 5 biến thể phụ), nguy cơ xuất hiện biến thể mới với khả năng lây lan nhanh, gây bệnh nặng, tỉ lệ tử vong cao, khả năng né tránh miễn dịch vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, chưa dự báo được.

10 quận, huyện tại TP HCM có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại thấp chuẩn bị kích hoạt lại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19

Thông tin tại phiên họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm sáng 29/6, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ trong vòng 6 tháng, các biến thể phụ của Omicron đã thay đổi toàn bộ, hiện nay chủ yếu là BA.2, BA.4, BA.5.

Biến thể phụ BA.5 đã có mặt tại Việt Nam, khả năng số ca mắc sẽ xuất hiện nhiều hơn và tăng trong thời gian tới.

Theo ông Tăng Chí Thượng, việc phòng ngừa hiệu quả hiện nay chính là tiêm vaccine. Hiện tỉ lệ tiêm mũi 3 của TP HCM khá cao nhưng tiêm mũi 4 còn thấp.

Ông Thượng cho biết ngành y tế dự báo các quận huyện: Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, quận 12, Tân Phú, Nhà Bè, Gò Vấp, quận 4, quận 6 và TP Thủ Đức là các địa phương có số ca nhiễm tăng cao nếu biến chủng BA.5 xuất hiện. Vì những địa phương này có tỉ lệ tiêm mũi 3, 4 rất thấp. Ngành y tế cũng yêu cầu các địa phương này chuẩn bị kích hoạt lại các cơ sở thu dung điều trị. Đồng thời ngành y tế cũng sẵn sàng kích hoạt trở lại các cơ sở thu dung điều trị nếu chủng BA.5 bùng phát mạnh.

Viên bi sắt đã hoen gỉ, nằm sâu trong hốc mũi của một bé trai

Các bác sĩ của một bệnh viện ở Phú Thọ ngày 29/6 đã gắp thành công viên bi sắt đã hoen gỉ, nằm sâu trong hốc mũi của một bé trai. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, không còn tình trạng đau, ăn uống tốt và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó, vào chiều 28/6, bé trai C.L.B N (4 tuổi, ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) được mẹ đưa đến phòng khám với biểu hiện, ho, đau và chảy nước mũi màu đen... Các bác sĩ thực hiện nội soi tai mũi họng và phát hiện dị vật hình tròn màu đen, gây loét niêm mạc hốc mũi của bệnh nhân.

Do dị vật nằm quá sâu trong hốc mũi, các bác sĩ tại phòng khám không thể thực hiện việc gây tê nên quyết định chuyển bệnh nhi về bệnh viện để thực hiện gây mê gắp dị vật. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy dị vật và tiến hành vệ sinh hốc mũi cho bé.

Mẹ bệnh nhi cho biết, gia đình không rõ cháu tự nhét dị vật vào mũi từ khi nào. Mấy ngày gần đây, gia đình thấy bé thỉnh thoảng chảy nước mũi có màu đen. Khi cháu kêu đau, gia đình mới đưa cháu đến cơ sở y tế để thăm khám.

Sáng 29/6: Ca COVID-19 tăng, F0 nặng tăng theo; "Béo vùng cổ gáy", người phụ nữ mắc bệnh hiếm gặpSáng 29/6: Ca COVID-19 tăng, F0 nặng tăng theo; 'Béo vùng cổ gáy', người phụ nữ mắc bệnh hiếm gặp

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế số ca COVID-19 mới tăng lên, số F0 nặng cũng gia tăng, trong bối cảnh biến thể phụ BA.5 của Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tích cực và chủ động đi tiêm nhắc lại các mũi vaccine phòng COVID-19; 'Béo vùng cổ gáy', người phụ nữ bất ngờ mắc bệnh hiếm gặp.

Thái Bình
Ý kiến của bạn