Hà Nội

Sáng 30/4, không có ca mắc mới COVID-19, có 14 ca xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên

30-04-2020 06:03 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bản tin 6h00 ngày 30/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy Việt nam đã bước sang ngày thứ 14 không có ca mắc mới trong cộng đồng. Hiện đã có 14 ca có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 lần trở lên

Tổng số ca mắc:

- Tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến 6h ngày 30/4: 14 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 6h ngày 30/4: Việt Nam có tổng cộng 130 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 18h ngày 29/4 đến 6h ngày 30/4: 0 ca mắc mới.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 34.836, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 316.

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.700.

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 27.820.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

Trong số 51 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại 9 cơ sở khám, chữa bệnh đến thơi điểm này đã có 10 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2; có 4 ca kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2

Về diễn biến sức khoẻ của 3 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng (BN19, BN91 và BN161),  ngày 29/4, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm hội chẩn trực tuyến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Qua hội chẩn cho thấy hai trong số 3 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng sắp được cai máy thở, đang tập phục hồi chức năng. Riêng bệnh nhân nam phi công vẫn đang trong tình trạng nặng, tiến triển chậm.

-BN19 hiện đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đã nằm viện được 54 ngày và nằm ở khoa Hồi sức tích cực (ICU) được 44 ngày.

Nghe báo cáo về trường hợp BN19, Hội đồng chuyên môn đánh giá bệnh nhân đã vượt qua những giai đoạn khó khăn và hiện các biểu hiện lâm sàng như khi máu, XQ phổi đều đã tốt lên; Bệnh nhân cần tiếp tục tăng cường dinh dưỡng, chăm sóc hô hấp, tập phục hồi chức năng và cai máy thở. Các thành viên Hội đồng chuyên môn hy vọng bệnh nhân sớm được ra khỏi khoa ICU trong tuần tới.

- Đối với BN161, 88 tuổi cũng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh vừa tai biến vừa cao tuổi, đã có những tiến triển khả quan. Các bác sỹ cũng đang từng bước cai thở máy, xét bỏ máy; chăm sóc hô hấp, kết hợp phục hồi chức năng và bổ sung dinh dưỡng.

- BN91 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, hiện đang trong tình trạng nặng, tiến triển chậm. Bệnh nhân đã được mở nội khí quản, tiếp tục sử dụng ECMO và thở máy.

Hội đồng chuyên môn đã thảo luận về tất cả các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm….. Các thành viên hội chẩn cũng đề nghị BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và nhóm hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy xem xét vấn đề sử dụng thuốc, liều lượng thuốc của người bệnh; xét nghiệm theo dõi nhiễm trùng bệnh viện, cấy lại vi khuẩn…

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5 điểm sau để phòng chống COVID-19:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.


Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo khuyến cáo người dân 7 thói quen cần thay đổi trong mùa dịch COVID-19:

1. Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay.

2. Trước hay vô thức đưa tay lên mặt, nay không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa.

4. Trước ăn xong đánh răng là đủ, nay thêm súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn.

5. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay không mời khách tới nhà và cũng không tới nhà người khác.

6. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn.

7. Cuối cùng, tự giác và nhắc nhau thực hiện các quy định và khuyến cáo phòng chống dịch.


Thái Bình
Ý kiến của bạn