Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 910.376 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.243 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 905.558 ca, trong đó có 813.315 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (430.059), Bình Dương (231.721), Đồng Nai (64.412), Long An (34.632), Tiền Giang (16.199).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 29/10 là 2.169 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 816.132
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.990 ca, trong đó:
- Thở ôxy qua mặt nạ: 1.969
- Thở ôxy dòng cao HFNC: 587
- Thở máy không xâm lấn: 103
- Thở máy xâm lấn: 312
- ECMO: 19
Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 60 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 108.197 xét nghiệm cho 167.733 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.008.414 mẫu cho 59.953.593 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 78.940.403 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 55.578.783 liều, tiêm mũi 2 là 23.361.620 liều.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 30/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 246.743.078 ca, trong đó có 5.003.329 người tử vong.
Có trên 221 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 17 triệu ca và trên 75.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, với số ca nhiễm lần lượt là hơn 47 triệu ca, hơn 34,2 triệu ca và hơn 21,7 triệu ca. Mỹ cũng đứng đầu thế giới về số tử vong với 764.917 ca, tiếp đó là Brazil với trên 607.000 ca và Ấn Độ với 456.354 ca.
Ngày 29/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã phê chuẩn vaccine phòng Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,8 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 73 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 79,1 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 56 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 218.300 ca tử vong, châu Đại Dương là hơn 3.600 người.
Hơn 40 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19
Tại Hội thảo tuyên truyền nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 29/10, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế, khẳng định Nghị quyết 128 của Chính phủ được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Đặc biệt, "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" sẽ tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế toàn bộ 63 địa phương đã đánh giá và công bố cấp độ dịch. Nội dung này cũng được Bộ Y tế tổng hợp, công bố trên Cổng thông tin điện tử http://bandocovid.yte.gov.vn/map.
Bên cạnh đó, hơn 40 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch thích ứng của địa phương hoặc có văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất, giao thông vận tải.
Bộ Y tế cũng tổ chức tập huấn trực tiếp cho UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của 63 tỉnh, thành phố nhằm quán triệt, thống nhất triển khai các quy định đã ban hành trên phạm vi cả nước.
TP HCM: Các điểm tiêm không tự ý hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ
Ngày 29/10, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố; các bệnh viện; Trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức; các cơ sở tiêm chủng về triển khai bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em.
Nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em diễn ra an toàn, hiệu quả, Sở Y tế Thành phố đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác tiêm chủng theo quy định.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc theo đúng nội dung bảng kiểm trước tiêm theo quyết định số 5002 của Bộ Y tế. Từ đó có kết luận đúng các trường hợp đủ điều kiện tiêm, chống chỉ định, trì hoãn, thận trọng tiêm chủng hoặc chuyển khám sàng lọc và tiêm tại bệnh viện.
Lưu ý các đơn vị không tự ý chỉ định tạm hoãn tiêm nếu không thuộc các trường hợp đã quy định trong bảng kiểm, nhằm tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận vaccine sớm.
Khi trẻ được chỉ định chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện, bác sĩ trực tiếp khám sàng lọc phải ghi rõ lý do và tên bệnh viện cần chuyển. Đồng thời hướng dẫn đầy đủ cho người nhà về việc chuyển trẻ đến khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiêm chủng tiếp tục thực hiện đúng và đầy đủ các quy định chuyên môn khác về tiêm chủng, đặc biệt phải theo dõi trẻ tối thiểu 30 phút sau tiêm.
Đối với các bệnh viện chuyên khoa nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi, cần phải tích cực tiếp nhận trẻ đến và hướng dẫn người dân, tránh gây phiền hà, tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận vaccine sớm.
Sở Y tế cũng đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở các cơ sở tiêm chủng và các điểm tiêm lưu động trên địa bàn thực hiện đúng quy định hiện hành về tiêm vaccine cho trẻ.
Đối với những trẻ có các vấn đề sức khỏe thuộc nhóm chống chỉ định, trì hoãn hoặc phải chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại bệnh viện (nếu có đủ thông tin do phụ huynh cung cấp) thì trung tâm y tế phối hợp với phòng y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn ngành giáo dục lập danh sách để chủ động trong việc mời tiêm, tổ chức tiêm cho những nhóm này.
Từ 31/10, Bình Dương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi
Theo kế hoạch của Sở Y tế ban hành ngày 29/10, từ ngày 31/10-2/11, Bình Dương tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trên địa bàn tỉnh.
Đối tượng trong đợt tiêm này là trẻ từ 15-17 tuổi trong các trường học công lập, ngoài công lập, các cơ sở bảo trợ xã hội, các địa phương. Thời gian triển khai đồng loạt bắt đầu từ ngày 31/10-1/11 và tiêm vét cho các trường hợp bệnh nền vào ngày 2/11.
Dự kiến tổng số liều vaccine tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 58.500 liều Pfizer. Các địa phương sẽ tổ chức đồng loạt theo chiến dịch ngắn ngày với các địa điểm tiêm như: Trường học, các cơ sở bảo trợ xã hội. Riêng trẻ không đến trường sẽ tiêm tại Trung tâm y tế huyện, thị, thành phố hoặc Trạm Y tế xã.