Đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện, gửi xét nghiệm giải trình tự gen
Bộ Y tế cho biết ngày 2/9 có 1.548 ca COVID-19, giảm hơn 1.000 ca so với ngày trước đó. Trong ngày 2/9 có hơn 8.000 bệnh nhân khỏi, gấp hơn 5 lần số mắc mới, có 1 trường hợp tử vong tại Hà Nội.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.415.907 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.042 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã điều trị khỏi ở nước ta là: 10.195.874 ca; hiện nay đang điều trị, giám sát hơn 1,17 triệu trường hợp. Trong số bệnh nhân đang điều trị có 128 trường hợp thở ô xy (tăng 21 trường hợp so với ngày 1/9), trong đó: Số bệnh nhân đang thở ô xy là 128 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 111 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 12 ca.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân nặng gia tăng trong thời gian gần đây, thường hơn 100 ca/ ngày, có ngày lên đến gần 140 ca, trong khi ở thời điểm tháng 6-7, số bệnh nhân nặng chỉ vài chục ca, có ngày chỉ còn không đến 20 ca.
Tại văn bản mới đây, Bộ Y tế yêu cầu đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các Bệnh viện khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19 tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng (khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID-19).
Các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.
Nhiều địa phương tiêm mũi 3 và 4 vaccine COVID-19 vẫn rất thấp, chậm
Mặc dù Bộ Y tế đã liên tục nhắc tên, đôn đốc công tác tiêm vaccine COVID-19, nhưng đến nay vẫn có nhiều địa phương tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người trên 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế thấp, chậm hơn mức tỷ lệ chung của cả nước.
Về tiêm mũi 3, đến ngày 2/9 tổng số có 50.122.365 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,5%), tuy nhiên vẫn có 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới tỷ lệ chung của cả nước, hiện chỉ đạt dưới 60% là: Bình Định (57,4%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,7%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58%).
Về tiêm mũi 4, thống kê đến ngày 2/9, tổng số có 14.477.352 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,3%), tuy nhiên vẫn có 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 60%: Quảng Trị (59,2%); Đà Nẵng (47,9%); TP Hồ Chí Minh (50,5%); Đồng Nai (53,7%); Tây Ninh (54,9%).
Trong khi theo thông tin của Bộ Y tế có đến 35% số bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong thời gian gần đây chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine; cùng đó hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 609 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Ngày 1/9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra khuyến nghị sử dụng làm mũi tăng cường 2 loại vaccine mới của hãng BioNTech/Pfizer và Mordena được điều chỉnh nhằm chống các biến thể của Omicron của virus SARS-CoV-2.
Theo đó, 2 loại vaccine mới này sẽ phòng chống được cả virus SARS-CoV-2 chủng gốc cũng như các biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron vốn gây ra phần lớn các ca mắc COVID-19 tại Mỹ hiện nay. Trong đó, vaccine của BioNTech/Pfizer được khuyến nghị tiêm cho những người từ 12 tuổi trở lên và vaccine của Moderna dành cho những người từ 18 tuổi trở lên