Hơn 9,43 triệu người mắc COVID-19 ở Việt Nam đã khỏi
Theo thông tin của Bộ Y tế, ngày 28/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.114 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 125 ca so với ngày trước đó) tại 44 tỉnh, thành phố (có 987 ca trong cộng đồng).
Mặc dù số ca COVID-19 mới đã giảm xuống con số dưới 300 ca/ ngày, tuy nhiên Hà Nội hiện vẫn là địa phương có số F0 mới hàng ngày cao nhất cả nước. Nhiều tỉnh, thành khác chỉ ghi nhận từ 1- dưới 10 ca/ ngày.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.256 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.716.361 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.248 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.708.603 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.599.691), TP. Hồ Chí Minh (609.339), Nghệ An (484.482), Bắc Giang (387.564), Bình Dương (383.771).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là: 9.439.913 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.233.370 trường hợp, trong đó có 189 trường hợp nặng đang điều trị, gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 126; Thở ô xy dòng cao HFNC: 27; Thở máy không xâm lấn: 3; Thở máy xâm lấn: 27; Thở ECMO: 6.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.
Đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị COVID-19.
Kiểm soát cơn đau hậu COVID-19 thế nào?
Theo Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 (còn gọi là hậu COVID-19) của Bộ Y tế, đau là triệu chứng thường gặp của những người hồi phục sau khi mắc COVID-19.
Cơn đau có thể ở các vùng cụ thể trên cơ thể (đau khớp, đau cơ, đau đầu, đau ngực hoặc đau bụng) hoặc đau toàn chung chung hoặc lan rộng. Cơn đau dai dẳng (kéo dài hơn ba tháng) có thể ảnh hưởng và dẫn đến mất ngủ, các mức độ mệt mỏi, tâm trạng và khả năng tập trung hoặc làm việc.
Nếu bạn gặp các triệu chứng đau cụ thể, ví dụ như đau ngực, mức độ đau trầm trọng hơn khi hoạt động, bạn có thể xin tư vấn của cán bộ y tế.
Lời khuyên về cách kiểm soát cơn đau
- Đối với đau khớp, đau cơ hoặc đau toàn thân, bạn có thể dùng các thuốc giảm đau không cần kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen sau khi ăn.
- Cán bộ y tế có thể kê các loại thuốc giảm đau nếu các thuốc nêu trên không có tác dụng.
- Có thể khó để loại bỏ hoàn toàn cơn đau dai dẳng. Hướng tới việc kiểm soát được cơn đau cho phép bạn hoạt động và ngủ tốt hơn, và có thể tham gia các hoạt động thiết yếu hàng ngày.
- Ngủ ngon có thể giúp giảm các triệu chứng đau. Căn thời gian sử dụng thuốc giảm đau trùng với thời gian ngủ sẽ hữu ích nếu cơn đau ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
- Nghe nhạc thư giãn hoặc thiền cũng có thể giúp giảm mức độ đau.
- Sắp xếp các hoạt động hàng ngày là công cụ hiệu quả trong việc kiểm soát cơn đau của bạn. Các bài tập thể dục nhẹ cũng giúp cơ thể giải phóng các chất trong cơ thể, gọi là endorphin giúp giảm mức độ đau.
- Hãy yên tâm rằng đau là triệu chứng thường gặp và việc vượt qua cơn đau giống như giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của cơn đau. Bạn có thể vượt qua các cơn đau đau nhẹ nhưng không nên cố gắng quá sức, vì điều đó khiến bạn đau và mệt mỏi hơn (tình trạng mệt mỏi sau gắng sức (PEM)).
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 402.000 ca mắc COVID-19 và 643 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 531 triệu ca, trong đó trên 6,31 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nhật Bản (28.335 ca), Đức (26.097 ca) và Brazil (24.239 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (86 ca), Italy (66 ca) và Australia (58 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 85,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,03 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 524.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,9 triệu ca mắc và trên 666.000 ca tử vong.