Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 766.051 ca mắc COVID-19, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.783 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 761.527 ca, trong đó có 533.275 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (375.794), Bình Dương (203.989), Đồng Nai (46.283), Long An (31.979), Tiền Giang (13.845).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 27/9 là 10.528 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 538.454
2. Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.135 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.638
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 661
- Thở máy không xâm lấn: 104
- Thở máy xâm lấn: 703
- ECMO: 29
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 208 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.758 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,0%).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 168.786 xét nghiệm cho 344.543 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 18.137.096 mẫu cho 51.904.476 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19
Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 39.232.772 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.946.214 liều, tiêm mũi 2 là 8.286.558 liều.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 314.989 trường hợp mắc COVID-19 và 4.731 ca tử vong. Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 232.967.514 ca, trong đó có 4.767.380người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 209 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27/9, thế giới có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.867.714 ca mắc và 707.594 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 447.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 594.000 ca tử vong.
Việt Nam nhận thêm 2,6 triệu liều vaccine COVID-19 AstraZenca của Chính phủ Đức viện trợ
Ngày 27/9, lễ bàn giao lô 2,6 triệu liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Đức viện trợ đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam, với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, đại diện Bộ Y tế, và Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner.
Theo thông cáo của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, hôm 26/9, lô vaccine gồm 2,6 triệu liều này đã về đến TP HCM.
Cùng với hơn 850.000 liều hỗ trợ qua cơ chế COVAX, tổng số vaccine Đức hỗ trợ Việt Nam đến nay là 3,45 triệu liều vaccine.
Tính đến nay, khoản viện trợ vaccine và trang thiết bị y tế của Chính phủ Đức là sự hỗ trợ lớn nhất của một nước thành viên EU đối với Việt Nam.
TP HCM: Hướng dẫn cơ chế tài chính đối với cơ sở y tế tư nhân điều trị COVID-19
Ngày 27/9, Sở Y tế TP HCM đã có văn bản về hướng dẫn cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân chuyển đổi công năng điều trị COVID-19.
Theo đó, về chi phí khám chữa bệnh, đối với bệnh COVID-19, ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám chữa bệnh bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc (trừ thuốc đã được Sở Y tế cấp), máu, dịch truyền... theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh.
Đối với bệnh khác, người có thẻ bảo hiểm y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế.
Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng bảo hiểm y tế (nếu có), người bệnh phải tự chi trả theo quy định; người không có thẻ bảo hiểm y tế tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Sở Y tế TP tạm thanh toán cho cơ sở y tế tư nhân các chi phí, bao gồm cách ly y tế (tiền ăn 80.000 đồng/người bệnh/ngày; sinh hoạt 40.000 đồng/người bệnh/ngày).
Trường hợp người bệnh điều trị COVID-19 tại cơ sở y tế tư nhân tử vong (nếu có), ngân sách nhà nước chi trả các chi phí mai táng tương tự như các bệnh viện công lập hiện nay, tức theo chi phí thực tế phát sinh nhưng không quá 17 triệu đồng/ca.
Sở Y tế TP đề nghị các bệnh viện tư nhân có trách nhiệm tổ chức khám chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi cho người mắc COVID-19 theo đúng quy định, không được từ chối hoặc yêu cầu người mắc COVID-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí; yêu cầu người bệnh không sử dụng ngân sách, thẻ bảo hiểm y tế và không được thu thêm chi phí điều trị bệnh COVID-19 của người bệnh.
Các chi phí khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách (tiền phòng, tiền ăn, các dịch vụ tiện ích tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh...) được thu theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện với người bệnh, nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế TP.
Đà Nẵng: Bệnh nhân COVID-19 tiên lượng tử vong, phục hồi và xuất viện
Bà T.T.H.N (sinh năm 1970, cư trú phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Đà Nẵng) vừa được Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho xuất viện chiều ngày 27/9.
Tính đến thời điểm xuất viện, đây là bệnh nhân có thời gian điều trị dài nhất ở đây, gần 2 tháng (bệnh nhân vào viện ngày 1/8)
Bà N. nhập viện trong trạng thái tỉnh, có thể tiếp xúc, nhưng sốt cao (39 độ C), mệt mỏi. Phổi đã bị tổn thương, X-quang phổi thấy vết mờ lan tỏa cả hai phổi.
Trong 2 ngày (4-5/8), bệnh nhân được thở oxy. Lúc 10h ngày 5/8, bệnh nhân khó thở, nên được chỉ định thở HFNC. Tiên lượng bệnh nhân có diễn biến xấu dần, Bệnh viện Phổi đã chỉ định lọc máu liên tục trong 5 ngày.
Ngày 9/8, nhận định bệnh nhân thở HFNF không hiệu quả, các bác sĩ chuyển sang thở máy không xâm nhập. Đến 16h, SpO2 tụt, bệnh nhân bắt đầu thở máy qua nội khí quản từ ngày 10-26/8.
BS Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi cho biết, từ ngày 20 đến 25/8, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Ngày 27/8, bệnh nhân được thở máy qua khai khí quản, đến ngày 30/8, bệnh nhân hồi tỉnh và mở mắt tự nhiên. Từ ngày 9-26/9, bệnh nhân tỉnh táo hơn, đáp ứng với tiếng gọi và kích thích đau, có phản xạ ánh sáng. X-quang phổi cải thiện, bệnh nhân chỉ còn thở oxy qua T-Tube 6l/p.
Bệnh nhân được xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 5 lần từ 19/8 tới 26/9, đều có kết quả âm tính.
Mời bạn đọc theo dõi video đang được quan tâm:
Trường hợp nhiễm COVID-19 nào phải nhập viện?