Ca mắc mới COVID-19 và bệnh nhân nặng đều tăng nhẹ
Bộ Y tế cho biết, ngày 26/9 ca mắc mới COVID-19 đã tăng vọt lên 1.432 ca, trong ngày có 700 bệnh nhân khỏi. Đến nay đã 5 ngày thứ liên tiếp không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.473.733 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.951 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta: 10.587.561 ca; trong số hơn 843 nghìn trường hợp đang điều trị, giám sát, có 103 bệnh nhân nặng đang thở ô xy (Con số này tăng nhẹ so với ngày trước đó), trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 92 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca.
Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Đồng thời các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyến dưới.
Liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, hôm qua 26/9, Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố tài trợ thêm 10 hệ thống oxy lỏng cho thêm 10 bệnh viện tại Việt Nam. Như vậy, tổng số bệnh viện mà USAID hỗ trợ lắp đặt hệ thống cung cấp oxy lỏng lên con số 23, trong đó có 13 hệ thống ở 5 tỉnh thành được lắp đặt hoàn tất.
Theo USAID, 10 hệ thống oxy lỏng mới sẽ được lắp đặt tại các bệnh viện khó khăn nhất ở 6 tỉnh thành vùng sâu vùng xa, giúp cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho bệnh nhân COVID-19 và nhiều bệnh hô hấp khác.
Đảm bảo khám chữa bệnh trong bão lũ, song song duy trì phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết
Trước dự báo diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, bão lũ từ nay đến cuối năm, ngày 26/9, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của địa phương, đơn vị, đặc biệt lưu ý lũ quét, ngập lụt tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ; Duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch COVID-19 trong quá trình tổ chức phòng chống lụt, bão.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng cuối năm 2022; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ trong thiên tai, không để bị động, bất ngờ.
Chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn khi có tình huống;
Trong diễn biến liên quan đến công tác khám chữa bệnh trong bão Noru - bão số 4, tối cùng ngày 26/9, Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh yêu cầu các đơn vị tại địa bàn chịu ảnh hưởng của bão lũ (các tỉnh/thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận) khẩn trương thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế, cụ thể là:
Di chuyển, sơ tán các đơn vị cấp cứu, hồi sức tích cực, người bệnh nặng cần thở máy, chạy thận...; Vận chuyển di dời các máy móc, thiết bị y tế cấp cứu, hồi sức, hồ sơ bệnh án... đến khu vực cao, tránh bị ngập lụt; Bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ; Bảo đảm nguồn điện nước dự phòng, bảo đảm thông suốt về thông tin liên lạc với các đơn vị hỗ trợ và cơ quan quản lý trực tiếp.
Quy trình, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc từ 20/10/2022
Trong 06 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ từ Cục Quản lý Dược, các chuyên gia thẩm định/đơn vị thẩm định phải hoàn thành biên bản thẩm định và gửi Cục Quản lý Dược tổng hợp, đề xuất ý kiến trên biên bản thẩm định.
Trong 02 tháng kể từ ngày nhận biên bản thẩm định, Cục Quản lý Dược có văn bản trả lời đối với hồ sơ thẩm định chưa đạt và nêu rõ lý do. Đối với hồ sơ được Cục Quản lý Dược đề xuất cấp, không cấp hoặc đề xuất cần xin ý kiến của Hội đồng, Cục Quản lý Dược chuyển cho Văn phòng Hội đồng để tổ chức họp Hội đồng;
Trong 01 tháng kể từ ngày nhận được tài liệu từ Cục Quản lý Dược, Văn phòng Hội đồng tổ chức họp và gửi biên bản họp về Cục Quản lý Dược;
Trong 01 tháng kể từ ngày nhận được biên bản họp, Cục Quản lý Dược ra quyết định cấp giấy đăng ký lưu hành đối với hồ sơ đạt yêu cầu. Trường hợp hồ sơ không đạt thì Cục Quản lý Dược phải có văn bản trả lời theo kết luận của Hội đồng đối với hồ sơ thẩm định và nêu rõ lý do.
Tổng thời gian Cục Quản lý Dược cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc tối đa là 12 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc (trừ trường hợp thực hiện theo quy trình thẩm định nhanh).
Trường hợp không cấp/chưa cấp, Cục Quản lý Dược phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.