Có gần 20.000 ca COVID-19 mới trong 7 ngày qua, bệnh nhân nặng tăng
Bộ Y tế cho biết ngày 26/8 có 3.195 ca COVID-19 mới, đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc COVID-19 mới ở nước ta vượt mốc 3.000 ca/ ngày; Trong ngày có gần 9.400 bệnh nhân khỏi.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.399.400 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.895 ca nhiễm).
Tổng số bệnh nhân COVID-19 đã khỏi ở nước ta đến nay là: 10.126.265 ca; Trong số các bệnh nhân đang theo dõi, giám sát, cố bệnh nhân đang thở ô xy là 162 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 142 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca; Thở máy không xâm lấn: 7 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca.
Thống kê này cho thấy số bệnh nhân nặng gia tăng trong thời gian gần đây. Tại các cơ sở điều trị cũng thống kê cho thấy nhiều bệnh nhân không tiêm đủ các mũi vaccine theo hướng dẫn, thậm chí nhiều trường hợp chưa tiêm mũi nào.
Việt Nam đã ghi nhận ca COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74
Theo Bộ Y tế hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc, trong 7 ngày qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng hơn 2.800 ca mắc mới mỗi ngày (có 4 ngày ghi nhận trên 3.000 ca/ ngày), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Tổng ca mắc trong 7 ngày qua là 19.785 ca.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Phó Viện trưởng Viện Pastuer TP HCM nhận quyết định làm Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ
Chiều 26/8, UBND TP Cần Thơ tổ chức lễ công bố các Quyết định bổ nhiệm về công tác cán bộ.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã trao quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Cường giữ chức Giám đốc Sở Y tế.
Trước đó, ngày 27/7, Bộ Y tế có quyết định điều động TS.BS Hoàng Quốc Cường, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM về nhận công tác tại UBND TP Cần Thơ để thực hiện quy trình bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở Y tế.
Ông Hoàng Quốc Cường sinh năm 1982, quê quán Quảng Trị có trình độ tiến sĩ dịch tễ học, bác sĩ đa khoa, cao cấp lý luận chính trị.
Trong thời gian công tác tại Viện Pasteur TP HCM, ông Cường từng kinh qua các chức vụ: Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Phụ trách Trung tâm kiểm định, hiệu chuẩn thử nghiệm thiết bị phòng xét nghiệm.
Tháng 9/2019, ông Cường được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm.
Trước đó, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM (năm 2000-2006), ông Hoàng Quốc Cường học Thạc sĩ tại Đại học Bordeaux 2, Pháp (năm 2007-2009).
Từ năm 2011 - 2016, ông Cường học Tiến sĩ tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Open University, Vương quốc Anh.
Ông Cường có 11 bài báo quốc tế và nhiều bài nghiên cứu trong nước liên quan đến các bệnh truyền nhiễm, dịch tễ học, y tế dự phòng, góp phần đưa ra những chính sách trong công tác phòng chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe người dân.
Biến thể BA.5 chiếm 74% số ca COVID-19 mới trong 30 ngày qua
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 604,4 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/8 công bố số liệu thống kê ghi nhận riêng trong năm 2022, đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 1 triệu người, khẳng định đây là điều đáng tiếc khi mà các công cụ y tế đã được phát triển và đưa vào sử dụng để ngăn chặn nguy cơ tử vong do bệnh này.
Như vậy, kể từ khi virus gây bệnh COVID-19 lần đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 đến nay, gần 6,45 triệu bệnh nhân COVID-19 đã tử vong trên toàn thế giới theo thống kê của WHO. WHO nêu rõ thực tế đến nay còn 1/3 dân số thế giới chưa tiêm chủng, trong đó là 2/3 số nhân viên y tế và 1/3 số người cao tuổi ở các nước có thu nhập thấp.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, Omicron chiếm 99% số ca nhiễm mới ghi nhận trong 30 ngày qua, trong đó biến thể BA.5 chiếm 74% số ca nhiễm mới.