Dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam giảm cả 4 tiêu chí: Ca mắc mới, ca nhập viện, ca nặng và số tử vong
Theo thống kê của Bộ Y tế ngày 25/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.417 ca mắc COVID-19 mới, tất cả đều ghi nhận trong nước (giảm 1.395 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó có 5.327 ca trong cộng đồng. Đây là số ca mắc mới trong ngày thấp nhẩt khoảng 5 tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.571.772 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.870 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.564.023 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.541.683), TP. Hồ Chí Minh (608.048), Nghệ An (479.985), Bình Dương (384.609), Bắc Giang (383.239).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh đến nay là: 9.092.760 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.435.999 trường hợp, trong đó có 664 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 523; Thở ô xy dòng cao HFNC: 65; Thở máy không xâm lấn: 19; Thở máy xâm lấn: 56 và thở ECMO: 1.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 9 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.021 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép: vừa chống dịch COVID-19 trong khi bệnh không lây nhiễm gia tăng
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép. Trong khi các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 diễn biến phức tạp thì nước ta cũng phải đối mặt với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 74% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Số liệu mới nhất cho thấy mỗi năm tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 81% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính.
Số liệu điều tra cũng cho thấy ước tính ở người trưởng thành tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 26%, tương đương khoảng 17 triệu người mắc; tỷ lệ mắc đái tháo đường là 7%, tương đương với khoảng 4,5 triệu người mắc bệnh.
Sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm có nguyên nhân là do sự gia tăng nhanh các yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được như hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý và thiếu vận động thể lực, kèm theo là các tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn đường máu và mỡ máu. Hầu hết những yếu tố này được hình thành từ giai đoạn rất sớm trong cuộc đời.
Vì vậy việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho trẻ em và thanh thiếu niên thông qua thúc đẩy hình thành các hành vi có lợi cho sức khỏe và phòng chống các yếu tố nguy cơ là một chính sách ưu tiên của Việt Nam
Sau khỏi COVID-19 nặng, bé trai bị tổn thương não vì mắc hội chứng MIS-C
BSCKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP HCM) cho biết bệnh viện vừa cứu sống trường hợp em T.G.H. (13 tuổi, nam, ở Trà Vinh) mắc COVID-19 cấp tính, sau đó xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C), tổn thương não.
Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhi đã mắc bệnh 6 ngày, trong đó, từ ngày 1 đến ngày 4, trẻ sốt nhẹ, ho, đau họng và chuyển sang sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém vào ngày thứ 5, 6. Gia đình đưa em nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc, lừ đừ, mạch 170 lần/phút, huyết áp thấp, vã mồ hôi, thở 50 lần/phút, bụng mềm, xét nghiệm nhanh dương tính với COVID-19.
Các bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, sốc tim, theo dõi viêm cơ tim, mắc COVID-19 cấp tính ngày thứ 6. Tiền căn chưa ghi nhận trẻ mắc bệnh lý gì trước đó.
Dù được cho thở oxy, truyền dịch chống sốc, thuốc vận mạch nhưng tình trạng sức khỏe của em H. chuyển biến nặng nên được chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố.
Tại đây, bệnh nhi vẫn lừ đừ, mạch rõ 120 lần/phút, huyết áp 100/60 mmHg, thở co kéo cơ liên sườn 36 lần/phút, phổi thô, bụng mềm. Qua xét nghiệm máu nhận thấy em có tình trạng toan chuyển hóa máu nặng, phản ứng viêm tăng, men gan tăng, xét nghiệm RT-PCR dương tính với COVID-19 ngày thứ 6.
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, tổn thương gan và được điều trị hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng virus, kháng sinh, kháng đông, điều chỉnh điện giải.
Sau gần hai tuần điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, xét nghiệm âm tính COVID-19. Tuy nhiên đến tuần thứ 3 thì bệnh nhi sốt lại, đỏ mắt, đỏ da, có biểu hiện rối loạn phối hợp vận động, loạng choạng, thất điều (không theo mệnh lệnh), nhức đầu, xét nghiệm phản ứng viêm trong máu tăng cao trở lại.
Bệnh nhi được chọc dò dịch não tủy xét nghiệm bình thường và chụp MRI não, ghi nhận tổn thương đồi thị hai bên và tổn thương chất trắng của tiểu não. Các bác sĩ chẩn đoán em bị hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C), tổn thương não, được điều trị kháng viêm liều cao, kháng đông để phòng ngừa tắc mạch.
Kết quả sau một tuần điều trị, bệnh nhi hết sốt, hết đỏ da, tỉnh táo, ăn uống khá. Xét nghiệm phản ứng viêm về bình thường, được xuất viện điều trị tiếp đủ liệu trình kháng viêm và tái khám theo hẹn.
BSCK II Nguyễn Minh Tiến cho hay đây là trường hợp hiếm gặp ở trẻ mắc COVID-19 có tổn thương gan nặng và sau đó lại xuất hiện hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương thần kinh. Do đó phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chương trình.