86 bệnh nhân COVID-19 nặng đang thở máy, oxy
Bộ Y tế cho biết, ngày 25/11 số ca mắc mới COVID-19 tăng lên so với ngày trước đó, với 570 ca; trong ngày không có bệnh nhân tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.513.747 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.355 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-9 đã khỏi là: 10.607.851 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 86 ca (tăng nhẹ so với những ngày trước đó), trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 71 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 8 ca; Thở máy xâm lấn: 7 ca.
Tiếp tục đẩy nhanh hơn tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vaccine COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi. Tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Xây dựng, triển khai Phương án bảo đảm công tác y tế trong tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, tăng cường năng lực xét nghiệm, chẩn đoán xác định, tập huấn cho cán bộ y tế.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đã có hơn 3.000 ca bệnh được tư vấn khám chữa bệnh từ xa
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Tổng thư ký các Câu lạc bộ Giám đốc các Bệnh viện Việt Nam cho biết, trong 2 năm đại dịch COVID-19, hệ thống khám chữa bệnh đã không ngừng tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Trong thời gian qua, đã có hơn 3.000 ca bệnh được tư vấn khám chữa bệnh từ xa, trên 1.100 buổi hội chẩn được thực hiện với 32.000 điểm cầu được kết nối, 155 ca bệnh nguy kịch được cứu sống. Tuy nhiên, vẫn còn gần 38% cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai lấy số xếp hàng tự động đảm bảo công bằng khi đi khám bệnh; thanh toán viện phí tiền mặt vẫn còn chiếm gần 30%.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục rà soát và hoàn thiện chính sách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng, hoàn thiện Thông tư kê đơn thuốc điện tử; khám chữa bệnh từ xa, giá khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn…
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 645 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.
Ngày 25/11, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận 3.041 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng và 29.654 ca không có triệu chứng trong ngày 24/11.
Theo đó, đây là ngày có số ca mắc mới (32.695 ca) cao nhất kể từ khi dịch bệnh này bùng phát tại Trung Quốc đại lục. Hiện tại Trung Quốc đại lục có rất nhiều ổ dịch lớn và lây lan mạnh, trong đó phần lớn ở thành phố Quảng Châu - miền Nam Trung Quốc, và thành phố Trùng Khánh ở Tây Nam. Trong khi đó, nhiều thành phố khác cũng ghi nhận hàng trăm ca mắc mới mỗi ngày như Thành Đô, Tế Nam, Lan Châu, Tây An và Vũ Hán.