Ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng, nhiều cháu trong độ tuổi chỉ định nhưng chưa tiêm vaccine
Bộ Y tế cho biết ngày 24/8 có 3.591 ca COVID-19 mới, tăng gần 400 ca so với hôm qua. Trong ngày số bệnh nhân khỏi tăng vọt lên hơn 14.000 ca; 2 trường hợp bệnh nhân tại Tây Ninh tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.392.859 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.834 ca nhiễm).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.104.180 ca; Trong số bệnh nhân đang theo dõi và điều trị có 146 ca thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 131 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca; Thở máy xâm lấn: 8 ca. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số bệnh nhân nặng liên tục gia tăng trong thòi gian qua.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW đang điều trị hơn 130 bệnh nhân COVID-19, trong số này, khoảng 40 ca thở máy, 40 ca thở oxy, có 7 ca là trẻ em.
Tại khoa Hồi sức tích cực mỗi ngày có thêm 5-6 bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển về đây điều trị. Các bệnh nhân hầu hết là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền. Đa số các bệnh nhân đã tiêm 2, 3 mũi vaccine COVID-19, nhưng có khoảng 20% bệnh nhân chưa tiêm mũi nào.
Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, trong 197 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, có 51 trẻ em. Đặc biệt, trong số các ca mắc mới, số ca là trẻ em chưa tiêm vaccine chiếm tỷ lệ cao; 53 trong tổng số 69 trẻ mắc COVID-19 ngày 23/8 chưa tiêm vaccine (chiếm gần 77%), trong số này có những trẻ chưa đến tuổi tiêm.
Bộ Y tế cho biết tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Nhiều địa phương tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi rất chậm; có 5 tỉnh, thành tiêm mũi 2 mới chỉ từ 19,1%- 34,5%
Các chuyên gia cảnh báo, khi thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, có thể số trẻ mắc COVID-19 sẽ gia tăng nhanh. Hiện chỉ còn không đầy 1 tuần nữa để đạt mục tiêu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, nhưng nhiều địa phương tiêm rất chậm, thấp; có 5 tỉnh, thành tiêm mũi 2 mới chỉ từ 19,1%- 34,5%.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Y tế cho biết vừa ban hành kế hoạch thực hiện chiến dịch truyền thông "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi từ nay đến ngày 30/9/2022.
Chiến dịch này nhằm truyền thông về đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho trẻ em từ 5 - dưới 18 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng và các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch, tiêm vaccine phòng COVID-19;
TP HCM- một trong 5 địa phương thuộc danh sách các tỉnh, thành tiêm thấp, chậm vaccine cho trẻ, theo Sở Y tế TP HCM, để tăng cường độ bao phủ vaccine cho trẻ em từ 5 - dưới 18 tuổi, góp phần tăng miễn dịch cộng đồng, giảm số ca mắc và tử vong do COVID-19, ngành y tế thành phố đã tổ chức thêm loại hình xe tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động cho học sinh.
Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo, các sở, ban ngành có liên quan, cùng UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong sự phối hợp với ngành y tế để truyền thông hiệu quả, vận động phụ huynh học sinh đưa con, em đến các điểm tiêm vaccine để được tiêm đủ mũi tiêm theo quy định.
Để hỗ trợ các quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai hiệu quả mô hình trên, Sở Y tế đã giao Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP sẵn sàng bố trí các xe tiêm lưu động để hỗ trợ các địa phương tiêm vaccine ngay tại các trường học của các học sinh khi được yêu cầu (do nhà trường sàng lọc phát hiện chưa tiêm, thuyết phục phụ huynh đồng thuận).
Đồng thời, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 sẵn sàng phối hợp với các bệnh viện chuyên khoa nhi tăng cường xe tiêm lưu động khi có yêu cầu.
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân khiến 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm
Tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Quỹ Phòng chống Tác hại thuốc lá đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Phòng chống tác hại (PCTH) thuốc lá.
Thông tin tại hội thảo cho biết, sau đại dịch COVID-19, số bệnh nhân đến với các bệnh viện ngày càng đông, gây ra sự quá tải bệnh viện ở một chuyên khoa. Theo báo cáo của 1.400 bệnh viện trên cả nước, có tới 70-75% bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm (tiêu đường, tim mạch, ung thư…). Trong đó, thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh không lây nhiễm.
"Công tác thanh tra kiểm soát thuốc lá là nhiệm vụ quan trọng đối với PCTH thuốc lá. Nếu không chung tay với sức khoẻ cộng đồng, nếu không tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện luật phòng chống tác hại thuốc lá thì ngành y tế và xã hội vẫn phải đối mặt với những gánh nặng về sức khỏe do thuốc lá gây ra"- PGS Lương Ngọc Khuê- Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Quỹ PCTH Thuốc lá: Từ giai đoạn 2019-2021 Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an phối hợp với Công an các đơn vị địa phương thông qua sự hỗ trợ cảu Tổ chức y tế thế giới và các tổ chức quốc tế đã kiểm tra gần 2.000 đơn vị, xử phạt 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm hút thuốc.
Do dịch COVID-19, ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử phạt các vị phạm quy định của Luật PCTH thuốc lá. Tổng số tiền xử phạt giai đoạn này là 564,9 triệu đồng.