Sáng 25/6: Đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động phòng ngừa lây nhiễm, nhất là với các biến chủng mới của COVID-19

25-06-2022 08:29 |

SKĐS - Cả nước chỉ còn 30 bệnh nhân COVID-19 nặng, thấp nhất trong gần 1 năm qua; Biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, có nguy cơ xâm nhập nước ta, có thể dẫn tới gia tăng ca COVID-19 trong thời gian tới; Đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm...

Theo Bộ Y tế, ngày 24/6, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 653 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 87 ca so với ngày trước đó) tại 38 tỉnh, thành phố (có 534 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn tiếp tục nhiều nhất với 162, tăng nhẹ so với mấy ngày trước đó; 37 tỉnh, thành còn lại số ca mắc từ 1-47, trong đó hơn 20 tỉnh, thành chỉ ghi nhận từ 1-10 ca COVID-19/ ngày.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 683 ca/ngày, giảm so với tuần trước đó.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.742.234 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.436 ca nhiễm).

Sáng 25/6: Đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động phòng ngừa lây nhiễm, nhất là với các biến chủng mới của COVID-19 - Ảnh 1.

Vai trò của vaccine có hiệu quả rất lớn, tuy nhiên hiện nay nhiều người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh từ 6-8 tháng qua nhưng vẫn chưa tiêm nhắc lại. Nếu các biến thể COVID-19 khác tiến hóa hoặc xâm nhập sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Ảnh: Trần Minh

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.734.467 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.604.692), TP. Hồ Chí Minh (609.959), Nghệ An (485.489), Bắc Giang (387.719), Bình Dương (383.796).

Tổng số trường hợp mắc COVID-19 đã khỏi bệnh là 9.637.275 ca. Trong số các trường hợp mắc COVID-19 đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 30 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ: 19 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy không xâm lấn: 1 ca. Con số này thấp bằng 1 nửa so với cùng kỳ tuần trước.

Biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia, có nguy cơ xâm nhập nước ta, có thể dẫn tới gia tăng các ca COVID-19 trong thời gian tới

Tại Hội nghị khoa học năm 2022 do Viện Pasteur tổ chức hôm qua, 24/6, GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thông tin Tổ chức Y tế thế giới cho biết hiện nay số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương, châu Phi, miễn dịch không bền vững, các biến thể mới, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trên thế giới.

Tại Việt Nam, số ca mắc mới thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay, số ca mắc mới mỗi ngày chỉ còn 600 - 700 nhưng số ca mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành. 

Thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2, trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và có nguy cơ xâm nhập nước ta, có thể dẫn tới gia tăng các ca COVID-19 trong thời gian tới. 

Cục trưởng Phan Trọng Lân nhấn mạnh vai trò của vaccine có hiệu quả rất lớn, tuy nhiên hiện nay nhiều người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh từ 6-8 tháng qua nhưng vẫn chưa tiêm nhắc lại. Nếu các biến thể COVID-19 khác tiến hóa hoặc xâm nhập sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, để duy trì bền vững thành quả chống dịch

Để quản lý, duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch, Bộ Y tế nhấn mạnh việc cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; Đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, nhất là đối với các biến chủng mới. 

Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới; nâng cao công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới của COVID-19; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi để ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào nước ta. 

Đồng thời nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở. Tăng cường giám sát, có các biện pháp đồng bộ giảm thiểu ảnh hưởng sau điều trị COVID-19...

Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 547,5 triệu ca, trên 6,34 triệu ca tử vong.

Philippines cũng cảnh báo về làn sóng dịch COVID-19 mới khi số ca mắc mới trong nước tăng liên tục. Trong tuần trước, nước này ghi nhận khoảng 2.458 ca mắc, tăng 70%, trong đó riêng vùng thủ đô Manila số ca mắc tăng gấp đôi.

Tương tự, số ca nhiễm mới tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ tăng hơn 1.500 ca/ngày ghi nhận được trong 4 ngày qua (tính đến ngày 18/6). Số ca mắc mới theo ngày trên cả nước Ấn Độ cũng cùng xu hướng này, gần chạm mức 13.000 ca.

Ngày 20/6, Israel thông báo đã ghi nhận 10.200 ca mắc, mức cao nhất kể từ đầu tháng 4 tới nay. Trong tổng số 26.200 xét nghiệm kháng nguyên (PCR) đã thực hiện trong ngày, có 38,95% trường hợp cho kết quả dương tính. Hệ số R, chỉ số lây lan từ một bệnh nhân cho những người khác, đã lên mức 1,32, tăng nhẹ so với mấy ngày trước đó.

Số ca bệnh chuyển nặng cũng đang có dấu hiệu tăng nhanh, với 168 người đang trong tình trạng nghiêm trọng, trong đó 32 bệnh nhân phải đặt nội khí quản và 2 bệnh nhân phải can thiệp sâu bằng máy ECMO. Chỉ số trên cho thấy số ca bệnh chuyển nặng đã tăng tới 95% so với tuần trước.

Sáng 24/6: Theo dõi chặt biến chủng mới của COVID-19; Kiểm soát tại cửa khẩu các dịch bệnh mới nổi, không để xâm nhập Sáng 24/6: Theo dõi chặt biến chủng mới của COVID-19; Kiểm soát tại cửa khẩu các dịch bệnh mới nổi, không để xâm nhập

SKĐS - Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục theo dõi chặt tình hình dịch trên thế giới; nâng cao công tác phân tích, dự báo để có phương án đáp ứng hiệu quả các tình huống dịch có thể xảy ra, nhất là đối với các biến chủng mới của COVID-19; Đồng thời kiểm soát ngay tại cửa khẩu các dịch bệnh mới nổi, không để xâm nhập.

Thái Bình
Ý kiến của bạn