Ca COVID-19 nặng tăng cao nhất trong khoảng 1 tuần qua
Bộ Y tế cho biết ngày 22/7 có 1.142 ca mắc COVID-19 mới. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc COVID-19 mới trong ngày ở nước ta ở con số trên 1.000 ca/ ngày. Hôm qua sau nhiều ngày không có F0 tử vong đã ghi nhận 1 F0 ở Tây Ninh tử vong. Số bệnh nhân khỏi ngày 22/7 gấp 4 lần số mắc mới.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.766.128 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.609 ca nhiễm).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 9.842.176 ca. Trong số bệnh nhân đang theo dõi, giám sát có 51 trường hợp thở ô xy, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 35 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 8 ca ; Thở máy xâm lấn: 8 ca. Số bệnh nhân nặng gia tăng so với mấy ngày trước đó. Đây là con số cao nhất trong khoảng 1 tuần qua.
Cần tập trung nguồn lực để tiêm vaccine COVID-19 cho những đối tượng có nguy cơ
Theo Bộ Y tế, các biến chủng mới của virus có khả năng tiếp tục xuất hiện hoặc tiến hóa sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian dẫn đến có thể làm dịch bệnh bùng phát trở lại. Hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước tại TP HCM, Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Cao Bằng, Cần Thơ; Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời
TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết biến thể phụ BA.4, BA.5 lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, có nước chiếm đến 60-70% ca mắc. Tại Việt Nam cũng đã xuất hiện ca mắc hai biến thể phụ này. Điều này đặt chúng ta phải kiểm soát ca tăng nặng, thở máy, thở ECMO để có đáp ứng kịp thời vì số mắc có thể tăng nhẹ.
"Hiện thế giới cũng chưa có đánh giá đầy đủ về việc sau tiêm đủ 2 mũi cơ bản mà tiêm mũi 3-4 thì đáp ứng miễn dịch kéo dài bao lâu. Vì virus luôn biến đổi, xuất hiện thêm các biến thể mới nên rất khó dự báo diễn biến dịch trong thời gian tới"- TS Tâm nhấn mạnh.
Trong cuộc họp tại Bộ Y tế mới đây, chuyên gia WHO tại Việt Nam cho rằng: Về vaccine, chúng ta có quyền tự hào Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng không phải không có khó khăn, đặc biệt với sự xuất hiện biến chủng của Omicron, các biến thể phụ mới BA.4, BA.5 có khả năng thoát miễn dịch.
Tuy nhiên chuyên gia của WHO cũng nhấn mạnh một trong những can thiệp cực kỳ quan trọng liên quan đến vaccine là triển khai nhanh những liều tiêm nhắc. Cần đặc biệt chú trọng việc tiêm nhắc trong giai đoạn hiện tại để đối phó với làn sóng lây nhiễm của BA.4 và BA.5.
Khi báo cáo về tỷ lệ tiêm hằng ngày, các địa phương nên phân tích đầy đủ số liệu tiêm 3 và 4 tập trung vào nhóm nguy cơ Nếu chưa đạt được tỷ lệ mong muốn ở nhóm này thì các đơn vị cần tập trung nguồn lực để tiêm. Lý do đây là đối tượng đe dọa nhập viện và tử vong lớn nhất khi mắc COVID-19.
Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 572,9 triệu ca, trên 6,39 triệu ca tử vong.
Trong ngày 21/7, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục, với 186.246 ca, tỷ lệ nhiễm dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lên tới 96%. Thủ đô Tokyo là địa phương dịch diễn biến phức tạp nhất khi ghi nhận 31.878 ca mắc mới trong ngày 21/7, tăng 164% so với trước đó 1 tuần.
Với tỷ lệ sử dụng giường bệnh là 43,5%, cơ quan chức năng đã quyết định nâng cấp độ cảnh báo đối với hệ thống y tế lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp, đồng thời nâng cảnh báo tình trạng lây nhiễm COVID-19 lên mức cao nhất. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 17/3, thủ đô Tokyo duy trì cả hai cấp độ cảnh báo ở mức cao nhất.
Ngày 22/7, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản (MHLW) đã đề xuất triển khai chương trình tiêm mũi thứ 5 vaccine phòng COVID-19 cho những đối tượng có nguy biến chứng cao như người cao tuổi.
Đồng thời đưa ra đề xuất mở rộng đối tượng tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi thứ 4 đối với nhân viên y tế và nhân viên điều dưỡng, đồng thời, xem xét chấp nhận tiêm chủng đồng thời vaccine COVID-19 và vaccine phòng ngừa cúm mùa.
Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đang triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 mũi thứ 4 và chỉ giới hạn đối tượng là những người cao tuổi, người có bệnh nền, hoặc những người được bác sỹ chuẩn đoán có nguy cơ biến chứng cao. Hai loại vaccine được sử dụng là vaccine của hãng Pfizer/BioNTech và hãng Moderna.