Hà Nội

Sáng 23/12: Gần 8.200 ca COVID-19 nặng đang điều trị; Hoàn thành tiêm mũi 2 vaccine cho người trên 18 tuổi cuối tháng 12

23-12-2021 07:21 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, đến nay hơn 1,17 triệu ca COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi, trong số các bệnh nhân đang điều trị có gần 8.200 ca nặng; Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác quản lý chất thải y tế tại khu thu dung, điều trị COVID-19; Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn, nhanh nhất có thể...

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.588.335 ca mắc COVID-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.105 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.582.783 ca, trong đó có 1.170.667 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (497.162), Bình Dương (289.613), Đồng Nai (95.761), Tây Ninh (66.823), Long An (39.831).

Sáng 23/12: Gần 8.200 ca COVID-19 nặng đang điều trị; Hoàn thành tiêm mũi 2 vaccine cho người trên 18 tuổi cuối tháng 12/2021 - Ảnh 1.

Bộ Y tế cho biết, đến nay hơn 1,17 triệu ca COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi, trong số các bệnh nhân đang điều trị có gần 8.200 ca nặng

Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.173.484 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 8.187 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.658 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.199 ca; Thở máy không xâm lấn: 157 ca;Thở máy xâm lấn: 1.152 ca; ECMO: 21 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 234 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.251 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 29/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 29.232.482 mẫu cho 73.261.638 lượt người.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 141.083.958 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.224.394 liều, tiêm mũi 2 là 63.306.216 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.553.348 liều.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 277.338.500 ca, trong đó có 5.391.388 người tử vong.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 150.000 ca), Anh cũng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021 chứng kiến trên 100.000 ca/ngày, trong khi Nga có có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 1.000 ca.

Các nước cũng ghi nhận trên 248.700.000 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 23 triệu ca và trên 89.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 22/12, thế giới có 117 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Tại Anh, số liệu mới nhất của Chính phủ Anh cho biết số ca mắc COVID-19 theo ngày tại nước này lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 100.000, với 106.122 ca được báo cáo vào ngày 22/12. Con số này đã vượt kỷ lục trước đó vào ngày 17/12 khi Anh ghi nhận 93.045 trường hợp mắc COVID-19.

Tại các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong 24h qua ghi nhận thêm 23.571 ca mắc mới COVID-19 và 409 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện nay vượt 14.672.738 trường hợp và 301.393 ca tử vong.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác quản lý chất thải y tế tại khu thu dung, điều trị COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện các biến chủng mới làm gia tăng số lượng người đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, dẫn đến gia tăng lượng chất thải y tế cần phải xử lý; Để đảm bảo công tác quản lý chất thải y tế trong các cơ sở y tế, ngày 22/12, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tinh và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các nội dung, cụ thể:

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế.

Có phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế và chất thải tại các cơ sở thu dung, điều trị người mắc CÓVID-19, địa điểm cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời, tránh tình trạng ùn ứ chất thải không được xử gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Tăng cường thạnh tra, kiểm tra quản lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế, các cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19, cơ sở cách ly phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

 Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định, đặc biệt là chất thải lây nhiễm. Tăng cường giám sát, vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế và khử khuẩn nước thải y tế, đảm bảo xử lý nước thải y tế đạt yêu cầu trước khi xả ra môi trường.

Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 an toàn, nhanh nhất có thể

Trước diễn biến ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine do thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới;

Tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022; tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc COVID-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…

Thời tiết chuyển mùa, cận Tết: Cần phát hiện sớm ca COVID-19, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine Thời tiết chuyển mùa, cận Tết: Cần phát hiện sớm ca COVID-19, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine do thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022 sắp tới…

Thái Bình
Ý kiến của bạn