Hà Nội

Sáng 23/11: Theo dõi sát, thông tin kịp thời về các biến chủng mới của COVID-19

23-11-2022 08:31 | Y tế

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế số ca COVID-19 nặng giảm nhẹ; tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng; Bộ Y tế đề xuất tiêu chí thuốc đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia.

Bám sát diễn biến tình hình dịch COVID-19, sự xuất hiện của các biến chủng mới

Bộ Y tế cho biết ngày 22/11 có 336 ca mắc COVID-19 mới, bệnh nhân nặng giảm còn 49 người, trong ngày không có bệnh nhân tử vong.      

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.512.138 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.339 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là 10.607.166 ca, trong số hơn 850 nghìn trường hợp đang theo dõi, giám sát, số bệnh nhân đang thở ô xy là 49 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 47 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca. Đây là số bệnh nhân nặng thấp nhất trong khoảng 1 tuần qua, các ngày trước đó thường khoảng trên dưới 60 ca nặng, thậm chí có ngày số bệnh nhân nặng còn tăng lên hơn 100 ca.

Sáng 23/11: Theo dõi sát, thông tin kịp thời về các biến chủng mới của COVID-19 - Ảnh 1.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ

Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. 

 Bộ Y tế đề xuất tiêu chí thuốc đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia    

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá và Danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp.

Theo đó, các mặt hàng thuốc đưa vào danh mục thuốc đấu thầu phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

  • Thuốc thuộc các danh mục do Bộ Y tế ban hành bao gồm: Danh mục thuốc hóa dược, vắc xin, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế; Danh mục thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế; Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam;
  • Thuốc trong các danh mục là thuốc hóa dược, vaccine, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, trừ thuốc quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 70 Luật dược;
  • Thuốc được mua để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Tiêu chí xây dựng Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia

Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

  • Thuốc sử dụng cho các chương trình, dự án, đơn vị cấp quốc gia;
  • Thuốc đáp ứng tất cả các tiêu chí sau: Thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu và không thuộc Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng tại các cơ sở y tế trên cả nước; 
  • Thuốc đã có ít nhất đồng thời từ 03 (ba) giấy đăng ký lưu hành của ít nhất 03 (ba) cơ sở sản xuất đáp ứng tiêu chí kỹ thuật quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 15/2019/TT-BYT.

 Tiêu chí xây dựng Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương

Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương phải đáp ứng tất cả các tiêu chí sau đây:

  • Thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu và không thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá;
  • Thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành;
  • Thuốc có từ 03 (ba) giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam theo dạng bào chế, nhà sản xuất;
  • Thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị hoặc số lượng ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, thành phố;
  • Thuốc được sử dụng ở nhiều cơ sở, tuyến điều trị tại địa phương...

Tiêu chí xây dựng Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá

Thuốc được đưa vào Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

  • Thuốc thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
  • Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
  • Thuốc chỉ có một hoặc hai nhà sản xuất.

Hàn Quốc lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới COVID-19 bùng phát vào mùa Đông này

Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 643,5 triệu ca, trên 6,6 triệu ca tử vong.

Trong vòng 24 giờ tính đến sáng 22/11, Hàn Quốc ghi nhận 45 ca tử vong và hơn 72.000 ca mắc mới COVID-19 trong bối cảnh có nhiều quan ngại về một làn sóng lây nhiễm mới bùng phát vào mùa Đông này. Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước tăng lên 26.654.729 ca.

Giới chức y tế dự báo số ca mắc mới COVID-19 theo ngày có thể tăng lên tới 200.000 ca vào tháng 12 tới, đồng thời kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường vaccine phòng ngừa, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao như người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Cũng theo KDCA, hiện còn 461 bệnh nhân nguy kịch.

Trong vòng 7 ngày tính đến hết ngày 17/11, bang New South Wales ghi nhận 27.869 ca mắc mới COVID-19. Ngày 18/11, chính quyền bang này đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở tất cả các khu vực của bệnh viện để đề phòng lây nhiễm.

Người dân cũng được khuyến nghị đeo khẩu trang ở các địa điểm trong nhà và trên phương tiện giao thông công cộng. Đồng thời, nhà chức trách bang cũng theo dõi chặt chẽ số lượng người đến các bệnh viện để bảo vệ sức khỏe cho bệnh nhân và nhân viên y tế do số ca mắc mới COVID-19 tăng đột ngột tại đây. Tại các bang như Victoria và Queensland, số ca mắc mới COVID-19 cũng tăng gấp đôi chỉ sau 2 tuần vừa qua.

Ông Hassan Valley, Phó Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Deakin, cho biết các dòng XBB và BQ.1 của biến thể Omicron đang đẩy Australia rơi vào làn sóng dịch bệnh lần thứ 4.

Chủ tịch Hiệp hội Y tế Australia Steve Robson cảnh báo hệ thống y tế của Australia có thể chịu áp lực gia tăng nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng trong thời điểm nguy cơ cao là dịp Giáng sinh có nhiều sự kiện tập trung đông người.

Ngày 22/11: Có 336 ca COVID-19, bệnh nhân nặng giảm còn 49 ngườiNgày 22/11: Có 336 ca COVID-19, bệnh nhân nặng giảm còn 49 người

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế ngày 22/11 cho biết có 336 ca mắc COVID-19 mới, bệnh nhân nặng giảm còn 49 người, trong ngày không có bệnh nhân tử vong.

Thái Bình
Ý kiến của bạn