Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 881.522 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.951 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 876.788 ca, trong đó có 800.509 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 01/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn.
+ Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (423.406), Bình Dương (227.799), Đồng Nai (60.498), Long An (34.071), Tiền Giang (15.392).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 22/10 là 5.202 nâng tổng số ca được điều trị khỏi: 803.326
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.073 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.131
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 430
- Thở máy không xâm lấn: 113
- Thở máy xâm lấn: 383
- ECMO: 16
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 71 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.543 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.459.257 mẫu cho 58.792.283 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 70.488.694 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 50.334.724 liều, tiêm mũi 2 là 20.153.970 liều.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 452.057 trường hợp mắc COVID-19 và 7.017 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 243,6 triệu ca, trong đó trên 4,95 triệu người không qua khỏi.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 243.623.303 ca, trong đó có 4.952.085 người tử vong.
Các nước cũng ghi nhận trên 220 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 17 triệu ca và trên 76.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 22/10, thế giới có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,6 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 71 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 78,4 triệu ca mắc.
Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 216.400 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.
TP HCM: Dự kiến có khoảng 780.000 trẻ từ 12-17 tuổi cần tiêm vaccine phòng COVID-19
Ngày 22/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vaccine.
Cụ thể, Ban chỉ đạo dự kiến có khoảng 780.000 trẻ từ 12-17 tuổi cần tiêm vaccine. TP tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi.
Theo đó, trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch. Trẻ không đi học sẽ được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động do TP Thủ Đức và các quận huyện lựa chọn.
Ngoài ra, trẻ có bệnh nền sẽ tiêm tại bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi. Các trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi sẽ được lập danh sách để tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế, kể cả cư trú tại các tỉnh thành khác.
Theo kế hoạch, TP ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương.
Mũi 1 sẽ tiêm trong 5 ngày, thời gian bắt đầu ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm vét trong 2 ngày. Mũi 2 tiêm trong 7 ngày, sau khi đã đủ thời gian tiêm mũi 2.
Vaccine tiêm là loại được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 12-17 tuổi; tiêm 2 liều/người và tiêm cùng loại vaccine.
Ban chỉ đạo yêu cầu Sở Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách tiêm cho tất cả học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Sở Lao động - thương binh và xã hội lập danh sách trẻ không đi học hoặc các học sinh đang học, đang nuôi dưỡng tại các trường, trung tâm thuộc sở.
Tính đến ngày 20/10, TP HCM có 98,9% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine 92% người từ 65 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine
Bình Dương: Tập trung bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho người dân từ 18 tuổi trở lên
Đến ngày 22/10, tỉnh Bình Dương đã tiêm gần 3,9 triệu liều/5.264.390 liều vaccine phòng COVID-19 được phân bổ; trong đó phần lớn người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 1 mũi và 50% người dân được tiêm 2 mũi vaccine.
Bình Dương đang tập trung bao phủ mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên nhằm góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương yêu cầu từ nay trở đi tại các điểm tiêm vaccine phải nhập liệu lên hệ thống sau đó mới tiến hành tiêm; trong thời gian 30 phút phải có thông tin kết quả lên hệ thống để người dân tiện theo dõi.
Liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi, tập trung bao phủ vaccine mũi 2 cho người dân trong tỉnh; đảm bảo khâu nhập liệu chính xác để thuận tiện quản lý.
Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 227.328 ca mắc COVID-19; có 2.327 ca tử vong; đã có 227.369 bệnh nhân xuất viện về nhà. Hiện còn 9.096 bệnh nhân đang điều trị.
Nam Định: Ổ dịch xã Yên Hồng, huyện Ý Yên đã ghi nhận tổng cộng 51 ca mắc COVID-19
Ngày 22/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định cho biết địa phương này ghi nhận 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều được phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa liên quan ổ dịch tại xã Yên Hồng, huyện Ý Yên.
Trước đó, ngày 18/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định ghi nhận chùm ca bệnh với 20 người dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều trú tại thôn Đằng Động, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên.
Ca mắc chỉ điểm của chùm lây nhiễm này là bà N.T.H., được phát hiện mắc COVID-19 vào chiều 17/10. Theo báo cáo từ CDC Nam Định, ca bệnh này không rõ nguồn lây do bà H. đã không ra khỏi xã, không đến vùng có dịch hay tiếp xúc người từ vùng dịch về trong gần một tháng qua.
Đến nay, ổ dịch tại xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, đã ghi nhận tổng cộng 51 ca mắc chỉ trong vòng 5 ngày.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các cấp, ngành, đặc biệt là huyện Ý Yên, tập trung cao độ, chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; thần tốc truy vết, cách ly kịp thời F1, F2 và xác định rõ vùng nguy cơ rất cao, cao để khoanh vùng gọn nhất có thể.