Hà Nội

Sáng 22/5: Bộ Y tế hướng dẫn các việc nên làm để tránh tình trạng 'sương mù não' của hậu COVID-19

22-05-2022 07:50 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế thông tin đến nay đã có gần 9,4 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, hiện còn hơn 1,27 triệu người đang giám sát, điều trị. Bộ Y tế hướng dẫn các việc nên làm để tránh tình trạng 'sương mù não' của hậu COVID-19...

Các việc nên làm để tránh tình trạng 'sương mù não' của hậu COVID-19

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 (còn gọi là hậu COVID-19).

Theo tài liệu này, trong thời gian phục hồi sau COVID-19, 'cựu F0' có thể gặp một loạt khó khăn liên quan đến khả năng suy nghĩ của mình (được gọi là "nhận thức"). Những khó khăn này có thể bao gồm các vấn đề về trí nhớ, chú ý, xử lý thông tin, lập kế hoạch và tổ chức. Đây còn được gọi là tình trạng 'sương mù não'.

Tình trạng 'sương mù não' thường trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, nghĩa là người sau mắc COVID-19 càng mệt mỏi thì càng nhận thấy có nhiều khó khăn hơn đối với khả năng suy nghĩ của mình.

Sáng 22/5: Bộ Y tế hướng dẫn các việc nên làm để tránh tình trạng 'sương mù não' của hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Tình trạng 'sương mù não' thường trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, nghĩa là người sau mắc COVID-19 càng mệt mỏi thì càng nhận thấy có nhiều khó khăn hơn đối với khả năng suy nghĩ của mình. Ảnh minh hoạ

Điều quan trọng là người đã mắc COVID-19 và gia đình phải nhận biết được liệu bạn có đang gặp phải những khó khăn này hay không, vì chúng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ, hoạt động hàng ngày và việc bạn quay trở lại công việc hoặc học tập. Nếu sau mắc COVID-19, 'cựu F0' gặp bất kỳ khó khăn nào trong số này, hướng dẫn của Bộ Y tế đưa ra các việc làm dưới đây có thể hữu ích:

- Giảm thiểu sự xao nhãng: cố gắng làm việc trong môi trường yên tĩnh không có sự phân tâm, có thể sử dụng nút bịt tai nếu cần. Nếu người sau mắc COVID-19 bị phân tâm khi đọc văn bản, hãy đánh dấu các phần của văn bản bằng cách sử dụng giấy hoặc sử dụng ngón tay của bạn làm điểm đánh dấu.

- Hoàn thành các hoạt động khi ít mệt mỏi hơn: Khi người sau mắc COVID-19 làm một việc mà đòi hỏi kỹ năng tư duy, hãy lập kế hoạch cho việc này vào thời điểm bớt mệt mỏi hơn. Ví dụ, nếu càng về chiều càng cảm thấy mệt mỏi thì hãy làm công việc vào buổi sáng.

- Thường xuyên nghỉ giải lao: Nếu vấn đề trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, hãy làm việc trong thời gian ngắn hơn và nghỉ giải lao.

- Đặt cho mình những mục tiêu và đích đến hợp lý: Có cái gì đó chắc chắn và rõ ràng để hướng tới sẽ giúp bạn duy trì động lực. Hãy đảm bảo đặt ra các mục tiêu thực tế có thể đạt được. Ví dụ: chỉ đọc 05 trang sách mỗi ngày.

- Có thời gian biểu: Người sau khi mắc COVID-19 hãy cố gắng thiết lập lịch trình làm việc hàng ngày và hàng tuần cho mình. Nó có thể hữu ích nếu 'cựu F0' lập kế hoạch các hoạt động trước thời hạn.

- Sử dụng các biện pháp khuyến khích: Khi 'cựu F0' đạt được mục tiêu hoặc mục đích, hãy tự thưởng cho mình - hãy thử làm điều gì đó rất đơn giản, chẳng hạn như uống một tách trà hoặc cà phê, xem tivi hoặc đi dạo.

- Làm một hoạt động một lần: Đừng vội vàng hoặc cố gắng tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc, vì điều này có thể dẫn đến sai lầm trong xử lý thông tin.

- Trợ giúp: Sử dụng danh sách, ghi chú, nhật ký và lịch có thể giúp hỗ trợ trí nhớ và thói quen của bạn.

- Bài tập trí não: Người sau mắc COVID-19 có thể thử những sở thích mới, giải câu đố, trò chơi chữ và số, các bài tập trí nhớ...

Ngoài ra, các biện pháp nâng cao thể trạng, các chiến lược làm giảm căng thẳng có thể cải thiện tình trạng 'sương mù não' như: ngủ đủ giấc và đúng giờ, tập thể dục, thư giãn; suy nghĩ tích cực, chế độ ăn uống hợp lý, tránh các chất tác động tâm thần như rượu, bia, chất kích thích, ...

Gần 9,4 triệu người mắc COVD-19 đã khỏi bệnh

Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 21/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.457 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 130 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 1.218 ca trong cộng đồng).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.645 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.706.111 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.163 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.698.354 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.597.114), TP. Hồ Chí Minh (609.131), Nghệ An (483.942), Bắc Giang (387.504), Bình Dương (383.759).

Tổng số người mắc COVID-19 được điều trị khỏi đến nay là: 9.390.032 ca. Hiện có hơn 1,27 triệu người mắc COVID-19 đang giám sát, điều trị. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 221 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 182 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 19 ca; Thở máy không xâm lấn: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 13 ca; ECMO: 2 ca.

Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn đang được cơ bản kiểm soát trên phạm vi cả nước, mấy ngày gần đây, cả nước ghi nhận trên 1.000 ca trong cộng đồng mỗi ngày và rải rác 1- 2 ca tử vong mỗi ngày (có ngày không ghi nhận ca tử vong nào).

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 22/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 526.966.451 ca COVID-19, trong đó có 6.299.408 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 584.518 và 667 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 496.757.959 người, 23.909.084 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 38.195 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Australia dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 46.628 ca; Nhật Bản đứng thứ hai với 39.001 ca; tiếp theo là Mỹ (29.365 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 102 người tử vong trong ngày; tiếp theo là Đức với 76 ca và Australia 49 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 84.964.627 người, trong đó có 1.028.780 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.136.340 ca nhiễm, bao gồm 524.348 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.778.607 ca bệnh và 665.595 ca tử vong.

Ngày 21/5: Tin vui chống dịch, số mắc COVID-19 tiếp tục giảm còn 1.457 ca, không có F0 tử vongNgày 21/5: Tin vui chống dịch, số mắc COVID-19 tiếp tục giảm còn 1.457 ca, không có F0 tử vong

SKĐS - Bản tin phòng chống dịch COVID-19 ngày 21/5 của Bộ Y tế cho biết có 1.457 ca mắc mới COVID-19 tại 43 tỉnh, thành phố; trong ngày số ca khỏi nhiều hơn gấp 2 lần số mắc mới; Không ghi nhận F0 tử vong trong ngày.

Thái Bình
Ý kiến của bạn